Trái vải u mới đầu mùa đổ bộ các chợ truyền thống ở Hà Nội, dù giá bán khá cao nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn.
Vải u “khuấy động” thị trường trái cây mùa hè
Đầu hè là thời điểm sôi động của thị trường trái cây khi hàng loạt loại quả nhiệt đới vào mùa, trong đó trái vải u đang trở thành tâm điểm nhờ mẫu mã đẹp, hương vị thơm ngon, đặc biệt là thuộc nhóm vải chín sớm.
Ngay từ cuối tháng 4, một lượng lớn vải u hồng từ Đắk Lắk đã được vận chuyển ra thị trường miền Bắc. Đây là những lô hàng sớm, giá thành cao nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Sang tháng 5, khi các vùng trồng vải u tại miền Bắc như Hải Dương, Bắc Giang bắt đầu vào vụ, nguồn cung dồi dào hơn, giá cả cũng có xu hướng "hạ nhiệt".

Theo chị Phạm Lan, bán hàng trái cây (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), vừa nhanh tay thoăn thoắt chia vải, vừa nói: “Vải u là loại quả được khách đặc biệt yêu thích mỗi khi hè về. Đầu vụ, tôi chủ yếu lấy vải u hồng từ Đắk Lắk. Giờ thì vải u trứng trắng, u hồng của miền Bắc cũng đã có mặt, mã đẹp, chất lượng tốt. Giá còn khá cao, loại quả đẹp phải trên 100.000 đồng/kg, nhưng khách vẫn mua đều. Hàng tuyển quả đều, ngọt sắc có thể lên đến 150.000 đồng/kg”.

Đáng chú ý trong mùa vải năm nay là sự trở lại của vải u trứng trắng, giống vải lai cho thu hoạch sớm nhất tại miền Bắc. Quả tròn, vỏ mịn, khi ăn có vị ngọt thanh pha lẫn chút chua dịu. Vải u trứng được bán với mức giá từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, tuy nhiên những lô hàng tuyển chọn kỹ, quả đều, tươi sáng có thể cao hơn.
Chị Nguyễn Thị Hà, một tiểu thương chuyên bán hoa quả tại chợ Xanh (quận Cầu Giấy) cho biết: “So với vải thiều chính vụ thì vải u bán ra được giá hơn do chín sớm, ít bị cạnh tranh. Dù chưa ngọt sắc như vải thiều nhưng thưởng thức vải u lại có vị riêng. Quả nhỏ nhắn, đẹp mã, hương thơm nhẹ, vị ngọt thanh dễ ăn. Khách lẻ chuộng mua loại khoảng 1-2kg về thưởng thức đầu mùa”.
Dù mức giá vẫn còn ở ngưỡng khá cao, song nhiều người tiêu dùng vẫn chấp nhận “mở hầu bao” để được thưởng thức hương vị mùa hè.
Anh Trần Minh Đức (quận Thanh Xuân, Hà Nội), chia sẻ: “Năm nào tôi cũng đợi mùa vải u, đặc biệt là u trứng vì ăn không bị ngấy, vị chua chua ngọt ngọt rất lạ miệng. Dù biết đầu vụ giá cao nhưng tôi vẫn mua vì cảm giác mùa hè chính là mùa của vải. Có hôm tôi mua được vải u hồng Đắk Lắk giá gần 150.000 đồng/kg, nhưng ăn ngon, không tiếc”.
Theo khảo sát, vải u hồng Đắk Lắk được đưa ra thị trường từ sớm có giá dao động 50.000 - 100.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi đó, các giống vải u trứng, u hồng miền Bắc đang giữ giá cao hơn, từ 80.000 - 200.000 đồng/kg. Một số chợ dân sinh tại Hà Nội như chợ Thành Công, chợ Xuân La, chợ Nghĩa Tân đã bày bán rải rác các loại vải u miền Bắc, chủ yếu là hàng tuyển chọn, mã đẹp, còn hàng thường vẫn chưa nhiều do chưa vào đợt thu hoạch rộ.
Các tiểu thương cho biết, hiện nhà vườn tại Bắc Giang, Hải Dương đang bước vào giai đoạn mùa vụ, sản lượng dù chưa cao nhưng chất lượng vải năm nay được đánh giá ổn định. Khi vào chính vụ trong vài tuần tới, giá vải u dự kiến sẽ hạ thêm khoảng 20-30% so với hiện tại.
Tiềm năng kinh tế từ giống vải chín sớm
Không chỉ thu hút người tiêu dùng nhờ hương vị đặc biệt, vải u còn được các nhà vườn đánh giá cao về giá trị kinh tế do vào vụ sớm, ít cạnh tranh, dễ bán được giá tốt. Anh Phạm Văn Tuấn, thương lái giao buôn vải chia sẻ: “Tôi buôn cả vải thiều và vải u trứng. Mấy năm nay thấy vải u cũng được yêu thích, giá cao mà lại thu hoạch sớm nên giảm được rủi ro do thời tiết. Tuy sản lượng không nhiều như vải thiều, nhưng bù lại bán được giá cao, khách chuộng”.

Sự xuất hiện của các giống vải u từ Đắk Lắk kết hợp cùng những vùng truyền thống phía Bắc đang tạo ra một “mùa vải sớm”, góp phần đa dạng hóa nguồn cung trên thị trường.
Nhiều cửa hàng trái cây nhập khẩu, sàn thương mại điện tử cũng nhanh chóng cập nhật mặt hàng này, bán online với dịch vụ giao tận nơi và mở ra hướng tiêu thụ mới cho nhà vườn.
Các tiểu thương cho biết, vải u là giống vải chín sớm nên thường được thu hoạch sớm, sau đó nhường chỗ cho vải thiều chính vụ. Ngoài giống u trứng và u hồng, năm nay cũng ghi nhận sự xuất hiện của vải u gai, loại vải có mã ngoài sần sùi hơn nhưng vị đậm, giá mềm, chỉ từ 28.000 - 35.000 đồng/kg, phù hợp với phân khúc khách hàng bình dân.