Bài học về sạt lở đất đá và ngập lụt dù nặng hay nhẹ thì Quảng Ninh đều đã trải qua, những kinh nghiệm quý trong xử lý, khắc phục sự cố và phòng chống đã, đang được tỉnh tích cực triển khai thực hiện để ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.
Đặc biệt sau cơn “đại hồng thuỷ” năm 2015 tỉnh đã khẩn cấp xây dựng Đề án Di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt, nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Đến nay đã tiến hành di dời được 283 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt và trong giai đoạn 2017- 2020 sẽ tiếp tục tiến hành di dời 1.637 hộ dân, trong đó 1.200 hộ dân tại khu 3, 4, 5, 6 tại khu Đồi Chè (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) được thực hiện theo Đề án riêng. Các điểm đã từng xảy ra ngập lụt nghiêm trọng tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn đều đã được “giải toả” như khu hồ điều hoà Yết Kiêu, khu vực Cầu 2 Cao Xanh (TP Hạ Long) được tăng cường hệ thống bơm tăng áp, cải tạo hệ thống cống tiêu thoát nên những đợt mưa vừa qua đã không còn xảy ra ngập lụt; khu vực Đèo Bụt (Quang Hanh, Cẩm Phả) đã xác định được nguyên nhân ngập lụt và xử lý khơi thông; những hộ dân ở thôn Bản Sen (xã Bản Sen, Vân Đồn) được di dời đến điểm định cư mới...
Mặc dù rất nỗ lực, cố gắng nhưng do nhu cầu phát triển, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ, đô thị, cộng thêm sự biến đổi ngày càng cực đoan của khí hậu, đặc thù về địa hình, sản xuất nên những tác động tiêu cực như sạt lở đất đá, bùn thải xuống các khu vực dân cư, ngập lụt vẫn tiếp tục xảy ra ở một số khu vực. Đặc biệt trong những ngày qua trên toàn tỉnh liên tục có mưa, có những cơn mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở và ngập lụt ở một số địa bàn. Cụ thể, tại TP Hạ Long, trận mưa đêm 7-7 đã khiến bờ kè đá Nghĩa trang Đèo Sen (phường Hà Khánh, TP Hạ Long) đổ sập gây ảnh hưởng đến một số ngôi mộ trong nghĩa trang; tại TP Móng Cái, trận mưa lớn sáng 10-7 đã khiến nhiều khu vực bị ngập sâu trong nước, giao thông tại khu vực bến xe thành phố bị tê liệt hoàn toàn; còn trên tuyến quốc lộ 18A đoạn qua khu 2, phường Cửa Ông cũng do mưa liên tục trong nhiều ngày qua đã xảy ra sạt trượt đất đá, nứt mặt đường; tại huyện Cô Tô do ảnh hưởng của thời tiết xấu nên nhiều chuyến tàu từ đảo về đất liền phải tạm dừng xuất bến khiến hơn 5.600 du khách bị mắc kẹt tại đảo trong nhiều giờ.
Theo dự báo của cơ quan Khí tượng thuỷ văn trung ương, trong thời gian tới khả năng đợt mưa ở miền Bắc sẽ còn duy trì đến hết ngày 15-7. Vì vậy, nguy cơ về sạt lở và ngập lụt vẫn có thể xảy ra. Chủ động ứng phó vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất như chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh từ đầu mùa mưa bão năm nay đó là: Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cảnh báo, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, đến tận tổ dân, khu phố và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở các bãi thải khai thác than, ngập lụt các khu vực trũng, thấp. Chủ động có phương án đề phòng, sẵn sàng di dời và thực hiện phương án cứu hộ, cứu nạn khi có mưa, lũ lớn, sạt lở đất đá xảy ra.
Thực hiện nghiêm việc tổ chức kiểm soát, cử người trực, canh gác thường xuyên và có biển cảnh báo tại các vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập, đò ngang, đò dọc, kiên quyết không cho phương tiện và người qua lại khi có mưa, lũ xuất hiện. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết trên biển để chủ động việc cấp phép hoạt động của tàu, thuyền đi ra các tuyến biển, đảo, nghỉ đêm trên Vịnh và thông tin cảnh báo cho các tàu, thuyền nghề cá biết để chủ động có các biện pháp phòng tránh. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
Chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo cụ thể Chủ tịch UBND các xã, phường kiểm tra cụ thể từng thôn, khu, đặc biệt là các khu vực ngập lụt, có nguy cơ sạt lở, thông báo cho nhân dân biết để chủ động sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm và đôn đốc các hộ dân phải sơ tán đến nơi an toàn.
Ngọc Lan