Quảng Ninh là vùng đất có rất nhiều tiềm năng nổi trội và lợi thế cạnh tranh, có cơ hội lớn để phát triển kinh tế toàn diện. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trước sự tác động của nhiều nền văn hóa càng đòi hỏi phải phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh, chống lại những hành vi phản văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục.
Do đó, việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đã được tỉnh chú trọng triển khai trong nhiều năm và là một nội dung trọng tâm của chủ đề công tác năm 2017 của tỉnh. Thực tế cho thấy, việc xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh không phải là câu chuyện một sớm một chiều, làm theo phong trào hay tập trung đẩy mạnh mang tính chiến dịch.
Với phương châm tuyên truyền sâu, vận động khéo và triển khai quyết liệt đến từng thôn, bản, cơ quan, đơn vị, phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh trên địa bàn tỉnh đã đi vào chiều sâu, tạo sức tan toả mạnh mẽ trong cộng đồng. Việc triển khai phong trào cũng chú trọng đi vào thực hiện các nội dung cụ thể, không tuyên truyền, vận động chung chung.
Cụ thể như: Các địa phương, đơn vị đã xây dựng, tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử, quy định về việc thực hiện văn hóa công sở, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức. Các địa phương triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các tổ chức chính trị - xã hội lựa chọn mô hình trọng tâm gắn với xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, như: Chỉnh trang đô thị, “Ngày chủ nhật xanh”, “Tổ nhân dân tự phòng, tự quản, tự hòa giải giữ gìn an ninh trật tự”, mô hình “Vận động, xây dựng và nâng cao hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”, để nhân rộng ra toàn tỉnh. Tuyên truyền, vận động ủng hộ quỹ vì người nghèo, thăm hỏi, chăm sóc người có công… Nhiều xã, phường, thị trấn đăng ký “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, triển khai xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu...
Qua đó, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được nhân rộng, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương. Công tác tổ chức các lễ hội trên địa bàn diễn ra đúng nghi thức, vệ sinh môi trường tại các di tích, lễ hội được quan tâm. Có thể khẳng định, phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đã trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Phong trào đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn tỉnh.
Lê Hải