Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT) được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS. Qua đó giúp người dân áp dụng kiến thức mới vào sản xuất, tăng năng suất lao động, thu nhập...
LĐNT trong tỉnh chiếm số lượng khá lớn, đa dạng về lĩnh vực, ngành nghề. Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT đã giải quyết được nhu cầu học nghề, việc làm, thu nhập ổn định cho một bộ phận LĐNT; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, đẩy mạnh xây dựng NTM của tỉnh, đặc biệt chương trình OCOP đang thu hút đông đảo người dân tham gia.

Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT của tỉnh không sử dụng nguồn vốn từ 3 chương trình MTQG (giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi), mà sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương từ chi thường xuyên không tự chủ. Căn cứ chỉ tiêu do UBND tỉnh giao về việc hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, các địa phương bố trí kinh phí từ ngân sách của huyện (nguồn chi thường xuyên không tự chủ) phân bổ cho các phòng, đơn vị chuyên môn mở lớp.
Để triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các đơn vị, địa phương tuyên truyền về tư vấn học nghề và việc làm, xây dựng NTM, giảm nghèo, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của công tác dạy nghề cho LĐNT trong việc nâng cao chất lượng lao động, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm...
Các địa phương đã chỉ đạo các phòng, ban có liên quan, UBND cấp xã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp trong việc tuyên truyền, định hướng cho người lao động đăng ký học nghề để đáp ứng yêu cầu về nhân lực theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Năm 2024 toàn tỉnh mở 14 lớp đào tạo nghề nông nghiệp với 340 chỉ tiêu tại 6 địa phương: Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Cô Tô, Đông Triều; trong đó có 200 chỉ tiêu lao động DTTS.
Ông Chíu Chăn Lỷ (thôn Yên Sơn, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà) cho biết: Thời gian qua, tôi tham gia lớp trồng chăm sóc cây ăn quả, được giảng dạy nhiều kiến thức bổ ích về kỹ thuật trồng, chăm sóc đối với các loại cây ăn quả. Ngay sau khi được học, nắm bắt kỹ thuật, trồng chăm sóc cây, gia đình quyết định đầu tư trồng ổi trên diện tích 4.000m2, bước đầu cho hiệu quả tốt. Nhờ học hỏi kỹ thuật áp dụng vào cây trồng giúp cho người nông dân nắm bắt thời điểm sinh trưởng để chăm bón phù hợp, vừa tăng năng suất, cây lại phát triển ổn định, bền vững, hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định. Sắp tới, gia đình cũng có kế hoạch mở rộng thêm diện tích trồng ổi, cùng với các kiến thức đã được học, tôi tiếp tục học hỏi thêm để áp dụng vào việc sản xuất của gia đình thêm hiệu quả.

Mặc dù đạt được kết quả tích cực, song công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT còn không ít khó khăn. Theo Chi cục Phát triển nông thôn, do phong tục, tập quán, đặc thù vùng, miền, nên việc tổ chức và duy trì số lượng học viên của lớp dạy nghề gặp nhiều khó khăn; một bộ phận học viên còn tâm lý ỷ lại, chưa cố gắng học tập để vươn lên, nhất là học viên ở miền núi, hải đảo, vùng DTTS. Hiện nguồn tuyển sinh học nghề nông nghiệp khó khăn do nhu cầu đào tạo ngày càng giảm; sự dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp lớn, nhất là lao động trẻ; mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp còn thấp.
Giai đoạn 2026-2030, ngành NN&MT tỉnh xây dựng đề xuất, dự kiến 545 chỉ tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT. Theo đó, tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT, người khuyết tật, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người DTTS, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân, người chấp hành xong án phạt tù có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh có nhu cầu học nghề đúng quy định. Ưu tiên hỗ trợ đào tạo cho các đối tượng: Lao động các doanh nghiệp nông nghiệp, thành viên HTX, tổ hợp tác, nông dân tham gia chương trình OCOP; nông dân tham gia các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, vùng chuyên canh có hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của trang trại, tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp; nông dân tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình giảm nghèo và các chương trình, đề án khác; LĐNT làm kỹ thuật nông nghiệp, nghề nông nghiệp có yêu cầu trình độ kỹ thuật.