Thực hiện Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đều đang triển khai rất nghiêm túc với tinh thần quyết tâm đổi mới.
Tại Quảng Ninh việc đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị đã được triển khai từ nhiều năm nay. Tỉnh đã thực hiện hợp nhất Ban Tổ chức và Phòng Nội vụ ở 13 huyện, thị xã, thành phố; hợp nhất cơ quan Ủy ban Kiểm tra và Thanh tra ở 14 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời thực hiện kiêm nhiệm chức danh Trưởng Ban Tổ chức của cấp ủy đồng thời là Trưởng Phòng Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra đồng thời là Chánh Thanh tra, Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị.
Riêng đối với 2 huyện Cô Tô và Tiên Yên đã thực hiện nhất thể hóa người đứng đầu Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND huyện, hiện đang xây dựng đề án hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND huyện.
Về mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc chung Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước thí điểm triển khai thực hiện mô hình này ở cả cấp tỉnh và cấp huyện. Song cùng với đó thực hiện thí điểm mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ ở cấp tỉnh và cấp huyện.
Hiện tỉnh đang xây dựng Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 850/2018/UBTVQH14 về thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh.
Theo Kết luận số 34-KL/TW thì tiêu chuẩn người đứng đầu, cơ chế vận hành, quy trình giải quyết công việc của các mô hình thí điểm hợp nhất, kiêm nhiệm đều rất rõ ràng và cụ thể, vì vậy rất thuận lợi cho các địa phương khi triển khai thực hiện. Đặc biệt đối với Quảng Ninh, hầu hết các mô hình thí điểm thực hiện hợp nhất, kiêm nhiệm đều đã được làm trước khi có Nghị quyết 18-NQ/TW và Kết luận 34-KL/TW. Kết quả bước đầu của việc hợp nhất giữa cơ quan Đảng, chính quyền có cùng chức năng, nhiệm vụ đã thấy rõ, sự trùng lắp, chồng chéo trong thực hiện công việc đã giảm đáng kể, đầu mối trong xử lý một nội dung công việc đã rõ hơn, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được nâng cao.
Riêng đối với mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc chung Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, Quảng Ninh đã phát huy được sức mạnh tập hợp nhân dân của các tổ chức đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân.
Tất nhiên trong quá trình thực hiện việc hợp nhất, kiêm nhiệm còn có những vấn đề khó khăn cần tháo gỡ, những vấn đề mới phát sinh nhưng xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đã “chạm” đúng mong muốn, đòi hỏi bức bách của thực tiễn phát triển đất nước hiện nay. Điều quan trọng nữa đây là nền tảng cho những cải cách sâu rộng, thực chất và quyết liệt về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Vì vậy việc từng bước nhân rộng đối với những mô hình phù hợp, hiệu quả là rất cần thiết.
Ngọc Lan