Trong không khí xúc động và lắng đọng, tự hào giữa những ngày của tháng 4 lịch sử, ký ức 50 năm trước từ những câu chuyện bình dị mà chứa đầy chất thép của những người lính năm xưa đưa người nghe trở về với những chiến công được viết nên bằng máu, nước mắt và lòng kiên trung, can trường của một thời hoa lửa, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong hành trình gian khổ nhưng đầy tự hào đó có sự tham gia của những người con Quảng Ninh đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

“Tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt thân yêu” là mệnh lệnh trái tim để nhiều người con từ miền Bắc, trong đó có lực lượng công an xung phong chi viện vào chiến trường miền Nam. Giai đoạn 1959-1975, hơn 10.000 cán bộ công an ưu tú đã vượt mọi gian khổ, hy sinh, cùng đồng bào, đồng chí miền Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Song song với nhiệm vụ giữ gìn ANTT ở địa phương, giai đoạn này 100% cán bộ, đảng viên, đoàn viên, chiến sĩ Công an Quảng Ninh đã viết đơn tình nguyện; hơn 200 cán bộ, chiến sĩ có sức khoẻ, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực nghiệp vụ đã lên đường vào Nam chiến đấu.
Ông Vũ Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh, nguyên cán bộ Trung ương an ninh Cục miền Nam Việt Nam đã mang trong mình hành trang là một trái tim sục sôi nhiệt huyết và niềm tin tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lên đường vào chiến trường miền Nam năm 1968, khi vừa tròn 22 tuổi.
Ông Tính nhớ lại: Chúng tôi ngày ấy được lệnh lên đường, mang theo niềm tin kháng chiến nhất định thắng lợi. Thế nhưng, chúng tôi ra đi đều chẳng hẹn ngày về... Đeo trên vai balo nặng 30-40kg hành quân vượt dãy Trường Sơn mấy tháng trời, trèo đèo lội suối, đối diện với bệnh tật, vô vàn gian khổ, nhưng khổ nhất có lẽ là thiếu nước uống. Hành trang mang theo, gạo có, muối có, nhưng nước chỉ đủ dùng ngắn ngày, vì nặng. Có những lần xuống đến đồng ruộng, gặp vài hố chân trâu có ít nước trong trong, chúng tôi phải lấy ca gạn ít nước đó để dùng, chẳng có thời gian và lựa chọn để sợ bệnh hay không, bởi nếu không uống thì chẳng thể tiếp tục sống để chiến đấu.

Mỗi câu chuyện của cựu CAND Vũ Trung Tính như tái hiện về một thời hừng hừng khí thế "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". “Ngày 15/4/1975, đồng chí Mười Hương (tên thật là Trần Quốc Hương) gọi chúng tôi lên giao nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 28/4 chúng tôi xuất phát, vượt qua sông và tổ chức đánh Cục Cảnh sát Tân Phú. 23h địch vẫn còn nhảy múa, uống rượu, khi chúng tôi tấn công, địch vẫn nghĩ đây là đơn vị địa phương, nhưng đơn vị của chúng ta là hỏa lực cực mạnh, toàn B40, B41, lúc này chúng đã biết đây là đơn vị chính quy và trận đánh diễn ra trong 3 tiếng đồng hồ. Sau khi địch rút, chúng tôi tiếp quản. 15h ngày 29/4, một số sĩ quan cảnh sát địch ngoan cố đã bị chúng tôi tiêu diệt tại chỗ. Đêm 29/4, chúng tôi tiếp quản và thành lập chính quyền thị trấn Tân Phú. Trưa 30/4/1975, quân ta tập kết ở ngã tư Bảy Hiền, ào ạt tiến vào Sài Gòn, lúc này các đơn vị chủ lực của ta đã đánh chiếm được tất cả các địa điểm quan trọng, bắt sống toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn. Xe chúng tôi đi đến đâu đồng bào chạy đến mở cửa để vẫy cờ, hoa chào đón... Cảm xúc vui sướng tự hào không thể tả xiết, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Bác Hồ giao phó...” - cựu CAND Vũ Trung Tính chia sẻ.
Không chỉ chi viện cho chiến trường miền Nam, những người ở lại cũng đảm nhận nhiệm vụ hết sức nặng nề. Ông Trương Phúc Lâm, nguyên Trưởng Công an TP Cẩm Phả nhận công tác tại Công an Quảng Ninh năm 1968. Đó là thời điểm diễn ra cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc hết sức cam go, quyết liệt.
Ông Lâm nhớ lại: Giai đoạn bấy giờ tôi là trinh sát thuộc Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế, một trong những đơn vị Anh hùng LLVT của Công an tỉnh. Chiến tranh tàn phá, toàn bộ các cơ quan, xí nghiệp ở những địa bàn trọng điểm của tỉnh đều phải di chuyển và đóng trong rừng, núi. Giống như các lực lượng khác, trinh sát an ninh kinh tế chủ yếu hoạt động trong rừng, bám dân, bám địa bàn để đề phòng địch phá hoại trong nội bộ và ngăn chặn kịp thời các hoạt động của tội phạm trong nhà máy, công trường, phân xưởng. Do đó tội phạm, tình báo nước ngoài không có đủ điều kiện xâm nhập vào nội bộ.

Lịch sử CAND Quảng Ninh, lịch sử LLVT của tỉnh mãi khắc ghi công lao, đóng góp và sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước. Đó không chỉ là biểu tượng bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mà còn là ngọn đuốc soi đường cho thế hệ hôm nay và mai sau.
"Chúng tôi hiểu giá trị của hòa bình và nhiệm vụ của thế hệ trẻ là gìn giữ những thành quả cách mạng cha anh đã vun đắp, dựng xây. Cuộc chiến bảo vệ hòa bình, bảo vệ sự bình yên cuộc sống của nhân dân vẫn tiếp tục, vẫn sẽ có những hy sinh, mất mát. Có rất nhiều đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống để bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân ngay cả trong thời bình. Mới đây thôi là tấm gương liệt sĩ thiếu tá Nguyễn Đăng Khải đã hy sinh anh dũng, can trường trong cuộc chiến khốc liệt, đầy cam go với tội phạm ma túy ngay tại TP Hạ Long. Nhưng chúng tôi nhất định không lùi bước trước cái ác của tội phạm, không lùi bước trước những âm mưu gian xảo, chống phá của các thế lực thù địch; tiếp tục phát huy truyền thống “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “CAND - Vì nhân dân mà chiến đấu”, tự hào viết tiếp những trang sử vì hòa bình" - Đại úy Vũ Đình Văn, Trưởng Ban công tác thanh niên, Công an tỉnh, chia sẻ.
Giáo dục truyền thống, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh trong công tác xây dựng lực lượng, để tạo nên một thế hệ công an Quảng Ninh vững vàng, bản lĩnh, vừa hồng vừa chuyên.
Đại tá Trần Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh, nhấn mạnh: Đơn vị mong muốn các cựu CAND, CCB tiếp tục là người truyền cảm hứng và lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Đối với tuổi trẻ công an và các LLVT của tỉnh, mỗi cán bộ, chiến sĩ sẽ luôn không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, hun đúc bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, là lực lượng kế tục xứng đáng của sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.