21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2331657
688619
Trông người để nghĩ đến ta...
trong-nguoi-de-nghi-den-ta
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Trông người để nghĩ đến ta...

Mùa xuân đi liền với mùa lễ hội. Theo thống kê của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử - cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo và gần 30 lễ hội du nhập.

Mùa xuân đi liền với mùa lễ hội. Theo thống kê của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử - cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo và gần 30 lễ hội du nhập. Chưa kể một số lễ hội “mới” chưa được thống kê bổ sung như các lễ hội du lịch, lễ hội bánh tét, lễ hội hoa... Những năm gần đây, cứ dịp áp Tết, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lại có văn bản gửi đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý, tổ chức các lễ hội và mặc dù các địa phương cũng ra sức chấn chỉnh nhưng những lùm xùm về công tác quản lý, tổ chức vẫn xảy ra.

Chỉ trong vòng 1 tuần lễ đầu tiên của năm mới Đinh Dậu đã liên tục xảy ra các sự việc xung quanh các lễ hội khiến dư luận quan tâm. Tại hội đền Gióng (Hà Nội), lễ hội năm nay không còn cảnh đánh nhau nhưng vẫn xảy ra chuyện cướp hoa tre, trầu cau gây hỗn loạn. Chùa Hương ngày khai hội xảy ra việc một vị sư trong chùa tung phát lộc cho khách, phật tử trái đạo giới, quy định. Tại Vĩnh Phúc, do năm trước hội “đả cầu, cướp phết” ở xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch xảy ra chuyện thanh niên tranh cướp phết đánh nhau vỡ đầu nên năm nay, để đảm bảo an ninh trật tự, thay vì cướp phết thể hiện tinh thần thượng võ, Ban tổ chức lễ hội không tổ chức cướp, thay vào đó là cho mọi người xếp hàng vào đình... sờ phết lấy may. Đáng chú ý, tình trạng “cướp lộc” tại các lễ hội mấy năm gần đây xảy ra có phần nhiều hơn. Tại lễ hội đền Trần (Nam Định) năm 2016, ngay sau lễ khai ấn, lực lượng an ninh đã bất lực khi biển người lao vào cướp sạch mọi hoa quả, lộc cúng trên hương án, ban thờ khiến cho không gian chốn tôn nghiêm không được đảm bảo.

Quảng Ninh là một trong các tỉnh có nhiều lễ hội. Trong đó, các lễ hội Yên Tử, đền Cửa Ông, gần đây là chùa Ba Vàng, chùa Ngoạ Vân... kéo dài 3 tháng và là điểm đến của hàng triệu du khách. Công tác quản lý, tổ chức các lễ hội những năm qua luôn được các ngành chức năng, các địa phương, ban quản lý di tích, trụ trì các chùa quan tâm. An ninh trật tự được bảo đảm, môi trường cảnh quan, môi trường văn hoá được giữ gìn, các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại được bảo tồn, phát huy qua lễ hội. Tuy nhiên, cũng không phải không có chuyện cần rút kinh nghiệm, như tại lễ hội Vân Đồn năm 2016, do lỗi trong việc cắm cờ đích đường đua của ban tổ chức khiến cuộc đua thuyền chải giữa hai giáp Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ - trọng tâm của lễ hội đã bị huỷ bỏ. Sự việc lần đầu tiên xảy ra khiến Ban tổ chức lễ hội phải xin lỗi hai giáp và nhân dân địa phương. Tại Yên Tử, du khách, phật tử hành hương ném tiền lên mái chùa, mài tiền vào chùa Đồng, khánh tại nơi đặt tượng đồng Trần Nhân Tông để... cầu may trông rất phản cảm.

Lễ hội văn hoá vốn rất nhạy cảm. Những hành vi bạo lực, tranh cướp, ứng xử không đúng mực, thiếu văn hoá, văn minh... không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của địa phương tổ chức lễ hội, mà còn ảnh hưởng đến các giá trị đẹp đẽ của lễ hội. Có ý kiến cho rằng, để các lễ hội diễn ra thành công, vừa đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhân dân, vừa bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hoá truyền thống phụ thuộc vào hai nhân tố chủ yếu: Chính quyền địa phương - nơi quản lý, tổ chức lễ hội và khách hành hương - chủ thể của lễ hội. Hỗ trợ, hướng dẫn khách hành hương hành lễ cho chuẩn mực là trách nhiệm của ban tổ chức, chính quyền địa phương. Ứng xử văn hoá, văn minh, có trách nhiệm tại lễ hội là của du khách, nhân dân. Đặc biệt là đối tượng đến với lễ hội ngày nay, người trẻ tuổi chiếm tỷ lệ ngày càng nhiều. Trông người để nghĩ đến ta. Những sự cố xảy ra tại các lễ hội trên hy vọng sẽ là bài học kinh nghiệm để công tác quản lý và tổ chức lễ hội của Quảng Ninh ngày một nền nếp, tốt hơn nữa.

Trần Minh

Cùng chuyên mục