Vụ tai nạn đuối nước do bị lũ cuốn trôi khiến 3 sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, khi đang tham gia hoạt động tình nguyện tại huyện Bình Liêu bị tử vong, xảy ra vào ngày 2-7, làm cho chúng ta xót xa, đau lòng. Thế mới biết tai nạn, rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào, ở đâu, với ai nếu không được trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng tránh cơ bản…
Trong vụ tai nạn thương tâm này có thể rút ra nhiều bài học đối với cả đơn vị tổ chức cho sinh viên đi tình nguyện (Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội) và địa phương, đơn vị nơi tiếp nhận sinh viên đến tình nguyện (huyện Bình Liêu). Cụ thể ở đây là việc cung cấp, trang bị những kiến thức, hiểu biết về vùng đất, con người, đặc điểm địa hình, thời tiết của nơi đến tình nguyện cho sinh viên trước khi lên đường tham gia hoạt động tình nguyện. Còn với địa phương tiếp nhận sinh viên tình nguyện, trong đó chủ đạo là tổ chức Đoàn Thanh niên cũng còn chủ quan, xem nhẹ việc hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm, cung cấp kỹ năng đối phó với những rủi ro, tình huống bất ngờ có thể xảy ra, cảnh báo các vị trí, khu vực nguy hiểm cho những đội tình nguyện khi tham gia các hoạt động trên địa bàn…
Tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng là một hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa đối với tuổi trẻ, đặc biệt là với sinh viên của các trường đại học, bên cạnh nhiệm vụ chính là học tập tại giảng đường. Qua đó không chỉ giúp cho sinh viên được rèn luyện, học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, trưởng thành trong thực tế cuộc sống mà còn góp phần rất đắc lực trong việc hỗ trợ cho địa phương, người dân ở những nơi đến tình nguyện, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng, phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật, bài trừ các hủ tục lạc hậu v.v..
Bởi vậy, trong những năm qua, phong trào tham gia các hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ, sinh viên trong cả nước đã được các trường đại học triển khai rất tích cực và được nhiều sinh viên hưởng ứng, tham gia nhiệt tình, nhất là vào các dịp hè. Hàng ngàn sinh viên với trách nhiệm của tuổi trẻ đã tạm gác lại những ngày nghỉ cùng gia đình, bên người thân để có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành, các vùng miền trong cả nước, nhất là ở các địa bàn còn nhiều khó khăn, tham gia vào những phần việc, công trình thực sự hữu ích, vì cuộc sống cộng đồng. Xã hội đánh giá cao và khuyến khích có nhiều những hoạt động tình nguyện như thế…
Tuy vậy, trong các hoạt động này, cùng với việc xây dựng, đề ra những chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, thiết thực thì yêu cầu về việc bảo đảm an toàn cho các tình nguyện viên cũng phải được các đơn vị tổ chức, tiếp nhận đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, sinh viên đi tình nguyện phần lớn là các em mới rời ghế trường học phổ thông, kiến thức, kinh nghiệm sống còn nhiều hạn chế, lại sinh sống ở nhiều vùng đất khác nhau. Trong khi đó, những nơi đến tình nguyện đều là các vùng đất rất xa lạ, còn nghèo khó, địa hình hiểm trở, nhiều núi cao, vực sâu, sông suối tiềm ẩn các nguy cơ cao xảy ra tai nạn, rủi ro, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Vì vậy, hoạt động này rất cần được sự quản lý chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể, giám sát thường xuyên của các đơn vị tổ chức và chính quyền các địa phương có sinh viên đến tình nguyện. Làm tốt vấn đề này, chắc chắn chúng ta sẽ ngăn chặn ở mức cao nhất những tai nạn, rủi ro có thể xảy ra. Và như vậy, hoạt động tình nguyện mới thực sự có ý nghĩa, mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho cả các tình nguyện viên và người dân địa phương…
Thanh Tùng