Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Theo đó, cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện 8 nội dung cơ bản, phải nghiêm khắc với bản thân và chống 8 biểu hiện sai.
Trong những năm qua, nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương cho nên ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, từ đó có những hành động thiết thực trong công tác và cuộc sống, tạo được sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện các chủ trương, quy định về nêu gương của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều đồng chí đã có ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức tận tuỵ với công việc, được quần chúng yêu mến, tín nhiệm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhất là trong thời gian qua khi nhiều cán bộ, đảng viên bị cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm, phải thi hành xử lý kỷ luật. Chính vì có một bộ phận cán bộ, đảng viên không thực hiện nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách pháp của Nhà nước, chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống..., gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cán bộ, đảng viên phục vụ nhân dân bằng cách nêu gương, làm gương, người lớn muốn giáo dục đạo đức cho lớp trẻ thì người lớn phải là tấm gương sáng ngời về đạo đức; muốn giáo dục văn hóa chính trị cho quần chúng và cấp dưới thì cấp trên phải có văn hóa chính trị. Nhân dân chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức, không phải những người nói nhiều làm ít, nghĩ một đường, nói một đường, làm một đường. Nêu gương của người đứng đầu có ảnh hưởng rất lớn đến cả bộ máy, gương sáng nhân dân theo, gương mờ nhân dân quay lưng.
Với Quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, với thái độ, tinh thần quán triệt sâu sắc, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan toả rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Ban Chấp hành Trung ương đã có quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương thì ở cấp địa phương (tỉnh, huyện, xã) mỗi cấp ủy viên cũng cần có chương trình hành động cụ thể thực hiện trách nhiệm nêu gương của mình, càng gần dân, càng phải nêu gương sáng, càng phải quán triệt quyết liệt hơn tinh thần nêu gương để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả bộ máy, cả hệ thống chính trị của đất nước, để mỗi cán bộ, đảng viên là tấm gương sáng để nhân dân tin, theo.
Ngọc Lan