Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) đang diễn ra ở Hà Nội từ ngày 2 đến 6/10, một trong những nội dung quan trọng dư luận quan tâm là Trung ương sẽ xem xét ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Dự thảo Quy định được xây dựng ngắn gọn với 4 điều. Trong đó, điều 1 quy định tất cả cán bộ, đảng viên, phải gương mẫu chấp hành cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Đồng thời nghiêm túc thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, như Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành T.Ư về “Những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp"; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương cùa cán bộ, đảng viên”…
Dự thảo Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhằm mục đích đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và nếp văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên.
![]() |
Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: chinhphu.vn |
Một câu chuyện nhỏ mà không nhỏ. Mới đây, tại một khu phố nọ của phường Hồng Hải (TP Hạ Long) có tổ chức họp tổ dân để bình chọn gia đình văn hoá, bầu tổ trưởng và một số nội dung khác. Cả tổ có 43 hộ thì vắng họp tới một nửa, hầu hết không lý do. Trong số đó, có nhiều chủ hộ là đảng viên, có người là lãnh đạo cấp sở của tỉnh, nguyên lãnh đạo ngành, có gia đình cả hai vợ chồng là đảng viên. Có ý kiến gay gắt kiến nghị ông bí thư chi bộ kiêm trưởng khu phố dự, chỉ đạo cuộc họp phải xem xét ý thức, trách nhiệm của các đảng viên chi bộ vắng mặt hay ghi vào giấy đánh giá đảng viên sinh hoạt cùng khu phố (đảng viên 76) cuối năm về ý thức, trách nhiệm nêu gương trong việc chấp hành các nội quy, hương ước của khu phố. Đáng nói, có đảng viên trong số này đã nhiều lần không tham gia các cuộc họp hay dọn vệ sinh môi trường của tổ dân khu phố phát động.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng chuyện nêu gương của cán bộ, đảng viên. Người cho rằng, mỗi cán bộ đều phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm. Người yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên phải nêu gương về đạo đức. Trước hết, mình phải tự làm gương. Cần nêu gương trong ba mối quan hệ với mình, với người, với việc. Trong gia đình, cha mẹ phải là tấm gương cho con cái, anh chị là tấm gương đối với các em. Trong nhà trường, thầy, cô giáo là tấm gương cho học trò. Trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hàng ngày, người cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 sáng 2/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, nhờ có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên như đã nêu ở trên đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như: Nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Có thể khẳng định, Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (dự kiến sẽ được Hội nghị Trung ương 8 ban hành vào ngày bế mạc, 6/10 tới đây) sẽ có vài trò, ý nghĩa lớn trong chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng; lạm quyền, lợi ích nhóm, làm tăng thêm sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng và tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin tuyệt đối của người dân đối với Đảng.
Đại Dương