21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2307588
655805
Trách nhiệm của ai?
trach-nhiem-cua-ai
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Trách nhiệm của ai?

Chuyện quản lý - Trách nhiệm của ai?

Từ chuyện cây...

Đang đi bộ trên vỉa hè đường 25-4 (TP Hạ Long) tôi bỗng giật thót mình vì "soạt" một chiếc tàu lá của cây cau vua suýt rơi trúng đầu. Hú vía, chiếc tàu lá này dễ phải đến chục cân, nó mà rơi vào đầu thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhiều người dân thường xuyên đi bộ qua tuyến đường này cũng cho biết là họ rất hãi khi đi dưới những tán cây này, có người đã bị cành cau vua rụng rơi xuống cánh tay gây chấn thương.

Từ chuyện cành cây cau vua rơi mới ngẫm thấy việc quy hoạch, quản lý cây xanh ở một số đô thị trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn rất lộ cộ. Tình trạng trồng cây xanh ở  các tuyến đường, khu phố khá tuỳ tiện. Đơn cử như trên đường 25-4, xung quanh khu vực trụ sở của Công ty Tuyển than Hòn Gai tại TP Hạ Long trồng khá nhiều cây cau vua. Theo tìm hiểu thì loại cây này chỉ phù hợp trồng trong khuôn viên công sở bởi tàu lá của cây khá to và nặng, nếu trồng dọc vỉa hè chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho người đi bộ khi lá cây già hoặc khi có giông gió khiến tàu lá rụng. Tương tự là việc trồng quá nhiều cây hoa sữa dọc các tuyến phố, khu dân cư dẫn đến mỗi khi vào mùa hoa thay vì được thưởng thức mùi thơm quyến rũ của loài hoa này, nhiều người khốn khổ vì mùi hoa của nó.

Chuyện trồng là vậy, chuyện quản lý cây xanh cũng là điều đáng bàn. Nhiều người dân băn khoăn không biết việc chăm sóc cây xanh trong thành phố thuộc trách nhiệm của ai, bởi nhiều nơi việc trồng cây như chỉ là trồng cho có, còn "sống chết mặc nó". Bởi vậy nên ở một số tuyến phố, nhiều cây xanh bị gió xô đổ, bị chết nắng không thấy ai đến dựng lên hoặc chăm sóc tưới nước, hay cắt lá tỉa cành tránh cành khô gãy rụng rơi xuống gây nguy hiểm cho người qua lại…

... đến chuyện vỉa hè, cống thoát nước

Đi một vòng quanh khu vực nội thị TP Hạ Long, ở đâu chúng ta cũng dễ gặp những đoạn vỉa hè bong tróc và lồi lõm, những đoạn cống vỡ nắp đầy ắp rác rưởi và bốc mùi hôi thối. Ban đầu chỉ là một lỗ thủng nhỏ, cán bộ phường sở tại không để ý vì đó là chuyện nhỏ, cán bộ quản lý đô thị cũng không quan tâm vì còn có nhiều việc cần phải quan tâm hơn. Lãnh đạo thành phố quá nhiều việc vĩ mô, và cũng không thể bao quát hết được vì đã phân cấp, phân quyền quản lý. Và như thế những đoạn cống vỡ trở thành nơi chứa rác thải và khi mưa đến gây ngập úng cục bộ. Người phải hứng chịu là dân, mỗi khi mưa lại phải hò nhau ra khơi thông miệng cống hoặc tìm cách tát nước be bờ để ngăn nước ngập vào nhà.

Một người dân sống ở phường Bạch Đằng (TP Hạ Long) phản ánh, dọc đường 25-4, đoạn rẽ vào khu Chung cư 11 tầng có một đoạn cống bị hỏng, nhiều lần người dân đã báo cho cán bộ phường sở tại yêu cầu sửa sang lại, nhưng đã hơn 4 năm đoạn cống vẫn chưa được sửa. Chỉ cần một cơn mưa nhỏ, khu vực này đã bị ngập, lầy lội, bẩn thỉu.

Câu chuyện về cây xanh và vỉa hè có thể chỉ là chuyện nhỏ trong suy nghĩ của nhiều người. Nhưng nếu biết hàng năm, Nhà nước đã phải chi số tiền không nhỏ để chỉnh trang, nâng cấp đô thị, phòng tránh ngập lụt cho các khu dân cư, hẳn nhiều người sẽ nghĩ khác. Nếu như chúng ta quản lý tốt hơn, phân công trách nhiệm cụ thể, sâu sát với địa bàn hơn thì sẽ giảm được khá nhiều kinh phí cho việc sửa chữa, nâng cấp các công trình bị xuống cấp.

Bảo An

Cùng chuyên mục