21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2349647
719986
Tô thắm thêm truyền thống ngành Than
to-tham-them-truyen-thong-nganh-than
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Tô thắm thêm truyền thống ngành Than

Ngày này 50 năm trước, cuối tháng 7-1967, có một đội quân đặc biệt được thành lập tại Vùng mỏ để vào Nam chi viện cho chiến trường đánh Mỹ. Đoàn quân ấy mang một cái tên đặc biệt: Binh đoàn Than. Đa phần trong số họ - những chiến sĩ Binh đoàn Than ngày ấy là những thợ lò, thợ máy, lái xe, thợ điện... vốn quen tay choòng, tay búa, quen với những đường lò bụi bặm mồ hôi nhưng trái tim họ chung một ý chí: Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngày này 50 năm trước, cuối tháng 7-1967, có một đội quân đặc biệt được thành lập tại Vùng mỏ để vào Nam chi viện cho chiến trường đánh Mỹ. Đoàn quân ấy mang một cái tên đặc biệt: Binh đoàn Than. Đa phần trong số họ - những chiến sĩ Binh đoàn Than ngày ấy là những thợ lò, thợ máy, lái xe, thợ điện... vốn quen tay choòng, tay búa, quen với những đường lò bụi bặm mồ hôi nhưng trái tim họ chung một ý chí: Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Binh đoàn Than được thành lập tháng 7-1967. Được biết, tên gọi Binh đoàn Than năm ấy là do ông Nguyễn Ngọc Đàm, Chủ tịch UBND tỉnh đặt. Ông Đàm từng giải thích rằng cái tên Binh đoàn Than chưa có trong lịch sử. Đây cũng không phải là một phiên hiệu trong quân đội. Thực chất những người lính xuất thân từ thợ mỏ năm ấy tập hợp lại được 3 tiểu đoàn nên ông Nguyễn Ngọc Đàm đề xuất gọi là Binh đoàn Than. Ông bảo đặt tên đó cho rõ cái khí thế Vùng mỏ và cũng là chiến thuật đánh lừa địch.

Một cựu chiến binh Binh đoàn Than kể rằng, sau 4 tháng trời huấn luyện ở huyện Lạc Thuỷ (Hoà Bình), trước khi lên đường vào Nam chiến đấu, mọi người được tranh thủ mấy ngày phép về quê. Hết phép, 100% quân số đều có mặt tại đơn vị. Chỉ huy đơn vị huấn luyện tân binh tỏ ý rất nể, thốt lên: “Đúng là tinh thần kỷ luật và đồng tâm của thợ mỏ Quảng Ninh có khác!”. Lại có chuyện kể rằng cuối tháng 12-1967, Binh đoàn Than lên đường vào Nam chiến đấu. Khi Binh đoàn vừa vào đến Khe Sanh (Quảng Trị) thì Đài BBC bình luận rằng Việt Cộng đã tung “Đội quân đặc nhiệm” vào chi viện miền Nam.

Theo thống kê của Ban Liên lạc Binh đoàn Than, kể từ khi hành quân vào Nam chiến đấu với chiến dịch xuân Mậu Thân (1968) cho đến ngày đất nước toàn thắng (1975), các chiến sĩ Binh đoàn Than đã tham gia hàng trăm trận đánh trên khắp các mặt trận từ Tây Nguyên đến đồng bằng Nam Bộ, chi viện cho chiến trường Lào, Campuchia. Có những trận đánh lớn như trận đánh vào sào huyệt Quân cảng kho xăng Nhà Bè đã tiêu huỷ hàng vạn lít xăng dầu của địch, hay như trận đánh cứ điểm cầu Mương Chuối (Long An), rồi trận đánh trên sông Rạch Dừa v.v.. Nhiều người lính của Binh đoàn Than đã thực sự trở thành nòng cốt trong các đơn vị chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam.

Chiến tranh kết thúc, đa số những người lính của Binh đoàn Than đã trở về Đất mỏ như lời thề ngày xuất quân. Họ trở về với đời thường, quay lại nhà máy, xí nghiệp với những tay búa, tay máy. Tuy nhiên, cũng đã có hàng trăm người hy sinh, trở thành thương binh, bệnh binh. Sự hy sinh của họ đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trở về đời thường, các CCB Binh đoàn Than luôn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của thợ mỏ, là tấm gương sáng trong lao động, học tập, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.

Lịch sử ngành Than đã ghi nhận nhiều dấu mốc sáng ngời kể từ Cuộc tổng đình công của thợ mỏ tháng 11-1936. Những người lính Binh đoàn Than đã tiếp lửa từ cha anh, để rồi chính họ lại viết nên một trang sử oai hùng, truyền lửa cho các thế hệ thợ mỏ sau mình. Đặc biệt là trong giai đoạn này, khi mà ngành Than đang trải qua không ít khó khăn.

Hy vọng rằng tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, tinh thần và những chiến công của Binh đoàn Than năm xưa mãi là niềm tự hào, là động lực, là nguồn cổ vũ to lớn đối với ngành than nói riêng, mỗi thợ mỏ nói chung vượt qua mọi khó khăn, bước tiếp con đường của cha anh mình, góp sức xây dựng quê hương Quảng Ninh ngày một phát triển.

Trần Minh

Cùng chuyên mục