Sáng 4/10, tại trụ sở Trung ương Đảng đã khai mạc trọng thể Hội nghị Trung ương 6 khoá XII. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì và phát biểu khai mạc hội nghị. Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư đã đề cập đến vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là những nội dung quan trọng mà Hội nghị Trung ương 6 sẽ thảo luận, quyết định.
Những nội dung liên quan đến vấn đề tinh giản bộ máy, biên chế , đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị mà Đảng ta đã đặt ra và thực hiện, nhưng chưa đạt được hiệu quả như yêu cầu đặt ra, đặc biệt là trong tinh giản biên chế.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư đánh giá: “Cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; cơ cấu bên trong chưa hợp lý; tổ chức bộ máy của khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập chậm được đổi mới; tổ chức và biên chế ngày càng phình to; số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ “hàm” không hợp lý; cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập; số lao động phục vụ gián tiếp quá nhiều trong khi thiếu nhân lực trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều”.
“Cho đến nay, chưa kể đến tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước, cả nước đã có khoảng 58 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế; giữ vai trò chủ đạo, cung cấp hầu hết dịch vụ sự nghiệp công, liên quan đến mọi người, mọi nhà và toàn xã hội như: Dịch vụ y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hoá, thể dục thể thao... Vì vậy, việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là hết sức cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, nhân văn hết sức sâu sắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”.
Quảng Ninh là tỉnh chủ động, đi đầu trong tinh giản bộ máy, biên chế bằng xây dựng và thực hiện Đề án 25 về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” từ đầu năm 2014.
Trước ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 6, ngày 3/10, Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị để thảo luận và cho ý kiến về: Báo cáo tổng hợp rà soát kết quả lãnh đạo, chỉ đạo chấp hành các quy định về quản lý và sử dụng biên chế của hệ thống chính trị toàn tỉnh; báo cáo việc chuyển đổi mô hình các đơn vị sự nghiệp công.
Để tinh giản biên chế, đi đôi với cơ cấu vị trí việc làm, tinh giản bộ máy, rất cần đưa ra khỏi cơ quan nhà nước những phần việc xã hội thực hiện tốt mà chúng ta vẫn quản lý được. Tại hội nghị của Thường trực Tỉnh uỷ nói trên, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo: “Việc tinh giản biên chế của tỉnh phải được tập trung vào các đơn vị sự nghiệp. Quan điểm là phải rà soát lại các đơn vị sự nghiệp trên cơ sở các đơn vị này nếu xã hội làm được, có thể xã hội hoá thì cần phải giải thể; đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động của một số đơn vị sự nghiệp theo hướng tự chủ, Nhà nước thực hiện cơ chế đặt hàng, mua hàng”.
Ngay tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: Khi Hội nghị Trung ương 6 họp xong, tỉnh sẽ tiến hành chỉ đạo cụ thể về cơ cấu các đơn vị sự nghiệp công, trong đó có các nhóm sẽ phải xem xét giải thể, nhóm tự chủ 100% theo công ty cổ phần, doanh nghiệp và nhóm tự chủ một phần theo hướng đặt hàng.
Sau Hội nghị Trung ương 6, công tác tinh giản bộ máy, biên chế của Quảng Ninh sẽ có cơ sở để tiến hành hiệu quả hơn, góp phần đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị trong toàn tỉnh, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Nguyên Đan