Trong những năm qua, Quảng Ninh là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, mạnh trong toàn quốc. Thu ngân sách luôn đứng trong tốp đầu cả nước; nhiều công trình, dự án lớn mang tầm chiến lược được triển khai, xây dựng; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; công tác an sinh xã hội luôn được quan tâm, đảm bảo. Tuy nhiên, do những khó khăn, trở ngại về mặt địa lý, phân bố dân cư nên nhiều khu vực, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sự chênh lệch về mức sống của người dân ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn ngày càng giãn cách…
Tính đến nay, Quảng Ninh còn 22 xã và 11 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ở những địa bàn này, không chỉ mức sống của người dân còn ở mức thấp, mà hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm y tế, trình độ dân trí, kỹ năng trồng trọt canh tác, chăn nuôi, nguồn lực cũng còn thiếu thốn, khó khăn, hạn chế…
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt, thường xuyên của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh nhiều chương trình, cuộc vận động hướng về các xã, thôn đặc biệt khó khăn, người nghèo đã được phát động, triển khai trong phạm vi toàn tỉnh, với sự vận động, kêu gọi nhiều đối tượng, thành phần cùng tham gia. Và mới đây nhất, ngày 19-4 vừa qua, tỉnh đã tổ chức hội nghị phát động ủng hộ các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tại hội nghị này, nhiều sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp đã đăng ký ủng hộ bằng kinh phí, công trình, vật liệu xây dựng. Mặc dù vậy, tính đến ngày 20-5, toàn tỉnh mới có 143 cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đăng ký và ủng hộ với số tiền trên 26 tỷ đồng, trong đó thực tế mới chuyển về tài khoản của đơn vị tiếp nhận được 30,6% so với số tiền đã đăng ký. Có thể nói đây là con số, tỷ lệ thấp cả về số lượng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia và số tiền ủng hộ…
Bởi vậy, mới đây, ngày 30-5, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục ủng hộ các xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh. Trong đó yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị Uỷ ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tiếp tục ủng hộ các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đã đăng ký ủng hộ khẩn trương chuyển kinh phí về Uỷ ban MTTQ tỉnh, chậm nhất là ngày 30-6. Những cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp ủng hộ bằng công trình, vật liệu, đề nghị đăng ký lộ trình cụ thể và thực hiện ngay việc ủng hộ theo địa chỉ, lộ trình đã đăng ký…
Quảng Ninh đang phấn đấu đến năm 2020 không còn các xã, thôn ở diện đặc biệt khó khăn. Để thực hiện được mục tiêu này, theo tính toán cần phải có số vốn đầu tư, hỗ trợ khoảng 1.654 tỷ đồng. Đây là số kinh phí lớn, rất cần sự chung tay, góp sức, sẻ chia của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và toàn xã hội mới có thể đáp ứng được…
Sự ủng hộ, giúp đỡ các xã, thôn đặc biệt khó khăn, người nghèo không chỉ là trách nhiệm, tình cảm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người dân sống trong cùng một địa phương, cùng một mảnh đất, luôn toả sáng truyền thống "thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, đừng vì bất kỳ lý do gì mà chậm trễ, thiếu tích cực trong việc ủng hộ này…
Thanh Tùng