Mạng xã hội đang trở thành mảnh đất màu mỡ để nhiều người có ảnh hưởng, nghệ sĩ, YouTuber, TikToker hốt tiền. Đáng báo động khi tình trạng bất chấp kiếm lợi bằng cách quảng cáo sai sự thật, bán hàng giả, hàng dỏm… đang nhan nhản.

Trong lúc Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs vừa bị bắt vì sản xuất và bán hàng giả - kẹo rau củ Kera, hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị cấm xuất cảnh để điều tra liên quan vụ việc, nhiều người có ảnh hưởng (KOL) khác vẫn đang hoạt động sôi nổi, bát nháo trên "chợ online".
Không biết hàng thật hay giả khi mua
Vào giỏ hàng được gắn trên kênh TikTok của Chu Thanh Huyền (vợ cầu thủ Quang Hải), khách dễ dàng chọn lựa, đặt mua với hơn 60 mặt hàng khác nhau được trưng bày. Trong đó có những mặt hàng đã bán được đến hàng ngàn sản phẩm.
Ngẫu nhiên bấm vào "set sữa rửa mặt Ohui hồng" loại 200ml (tặng kèm tuýp 100ml), được giảm giá còn 422.000 đồng, lời giới thiệu hiện ra, cho biết sản phẩm này giúp hỗ trợ dưỡng ẩm, trắng hồng.
Đọc phản hồi của những khách hàng đã mua, bên cạnh nội dung tích cực cũng có người chia sẻ "dùng vào mặt ngứa kinh khủng".
Đặt mua một bộ mỹ phẩm khác có giá hơn 1,8 triệu đồng trên kênh của Chu Thanh Huyền, có khách hàng cho biết "đã nhận được hàng nhưng không thấy tem chống hàng giả ở từng sản phẩm nên hơi băn khoăn".
Hay một khách khác mua viên uống vitamin C 1.000mg với lời quảng cáo "hỗ trợ giảm thâm sạm, hỗ trợ dưỡng trắng, hỗ trợ tăng đề kháng", giá 322.000 đồng (giảm 41%). Nhưng sau đó bình luận rằng đã nhận nhưng không biết hàng thật hay giả.
Đáng chú ý, khi một khách hàng phản ảnh về việc sản phẩm không có tem mác rõ ràng, phía người bán công khai trả lời: "Bên em là hàng xách tay nên không có tem phụ chị ạ", "cam kết hàng chính hãng nha chị"...
Gần đây Chu Thanh Huyền cũng bị tố quảng cáo lố về "sữa" dành cho trẻ em, có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Dựa vào video đăng trên TikTok, cô nói rằng sữa này có thể dùng cho trẻ từ 7 tháng tuổi, lấy con trai mình (8 tháng tuổi) ra làm ví dụ.
Nhưng sau đó có người phản ảnh rằng trẻ em phải từ 2 tuổi trở lên mới có thể dùng. Bị phản ứng, cô xin lỗi, cho rằng đã nói không rõ nên dẫn đến hiểu lầm.
Việc mua hàng trên sàn thương mại điện tử nhưng không có tem phụ, thiếu thông tin rõ ràng cũng khiến không ít khách hàng cảm thấy mơ hồ về xuất xứ, chưa kể trách nhiệm của người bán khi khách hàng sử dụng sản phẩm và gặp sự cố.
Mai Ly - TikToker có hơn 1,7 triệu tài khoản theo dõi, nổi tiếng thông qua việc bán mỹ phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm chức năng, trong đó có hộp "E22 - Viên uống hỗ trợ gan" được bán chạy tốp đầu, với hơn 12.600 sản phẩm đã bán ra.
Giá bán 465.000 đồng/hộp 30 viên và 958.000 đồng/hộp 60 viên. Lấy tạm mức giá thấp nhất, ước tính cô thu được hơn 5,8 tỉ đồng. Tuy nhiên có khách hàng phản ảnh "sản phẩm không có tem mác, nghi là hàng nhái".
Phía người bán trả lời chỉ là tem trắng, không có tem phụ, cam kết nếu phát hiện hàng nhái sẽ bù 1.000 lần. Trong khi đó, khách hàng khác lại phản ảnh trên hàng hóa không ghi cách sử dụng, nên "mua mà không biết cách sử dụng luôn".
Nhan nhản "tiên đơn", cải lão hoàn đồng
Theo ghi nhận trên TikTok và YouTube, nhiều người bán hàng quảng cáo rất rầm rộ các sản phẩm khiến người nghe đôi lúc lầm tưởng rằng "tiên đơn", "thần dược".
Chẳng hạn nhiều video khác được TikToker nổi tiếng quảng cáo về một loại thực phẩm chức năng, có khả năng "làm sống lại các tế bào đã chết", "kéo dài tuổi thọ".
Uống thực phẩm chức năng này vào, cảm giác như "thay đầu, thay não". Khi uống viên thực phẩm chức năng này, không cần phải uống các loại thuốc khác về bổ não, mọc tóc, chữa tóc bạc, hỗ trợ điều trị ngủ ngon, tiểu đường, đột quỵ...
Với nội dung quảng cáo như trên, nhiều người gần như không rõ thực hư, không biết cách nào kiểm chứng được toàn bộ thông tin đều là đúng.
Đáng chú ý nhiều người lớn tuổi cho biết đã bị "sập bẫy", mua phải thuốc dỏm, hứng nhiều hệ lụy. Cô Hạnh (đổi tên) cho biết do xem trên mạng nên đã đặt mua bịch "thuốc gia truyền", thuốc nam.
Bịch thuốc này được gói trong bọc ni lông nhỏ, đề thông tin về công dụng chữa nhức mỏi đau lưng, tê bại, thấp khớp, thần kinh tọa, giúp ăn ngon ngủ ngon... Tuy nhiên sau một thời gian dùng, cô cảm thấy mặt sưng phù, da mỏng, xuất huyết dưới da...
Được biết loại thuốc nam này có trộn corticoid, dùng dài ngày sẽ gây ngộ độc kèm nhiều biến chứng nguy hiểm.
"Tôi uống thuốc tăng cân mua trên mạng, cũng chứa chất corticoid. Uống xong vài tháng dạ dày quặn đau, sau đó người bị phù nước. Thảm cảnh, cực kỳ hối hận", chị Bích Ngân (TP.HCM) chia sẻ. Để bán chạy các loại thuốc nam, thực phẩm chức năng... nhiều người còn tự phong là "thần y", bác sĩ, dược sĩ...
Trong khi đó dù người mua gặp sự cố khi sử dụng sản phẩm, bên bán vẫn trả lời bằng "văn mẫu" thay vì hỗ trợ người mua. Chẳng hạn, một khách đăng hình da mặt bị mẩn đỏ, kèm nội dung "trải nghiệm cá nhân và banh cái mặt sương sương. Chắc ko (không - PV) hợp" kèm theo đánh 1 sao.
Nhưng bên bán hàng chỉ trả lời rằng: "Em chào chị ạ, nếu mình có bất kỳ vấn đề gì cần xử lý mình nhắn bên em hỗ trợ mình ạ, có gì chị phản hồi lại giúp em để em hỗ trợ ạ. Mong chị sẽ giúp em đánh giá lại phản hồi 5 sao, kẻo em sẽ bị phạt vì điểm tiêu cực ạ. Chúng em sẽ cố gắng cải thiện chất lượng dịch vụ ạ".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng thông tin sai lệch từ những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyết định của người dùng.
Chẳng hạn một KOL "tự phong" review sản phẩm mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng không đúng sự thật (khen quá mức sản phẩm hoặc là review bất chấp dù chưa dùng), khiến người dùng mua và gặp vấn đề sức khỏe (dị ứng da, viêm nhiễm hoặc nặng hơn là các vấn đề sức khỏe khác). Gần đây nhất có vụ "kẹo rau" Kera.

"Báo hóa", "truyền hình hóa" để câu tương tác, thu lợi bất chính
Theo nhiều chuyên gia, xu hướng "báo hóa", "truyền hình hóa" hoạt động của nhiều trang tin, mạng xã hội, kênh nội dung đang ngày càng rõ rệt. Nhiều Facebooker, TikToker, YouTuber hoạt động như phóng viên các tờ báo, biên tập viên các đài truyền hình ngay trên trang, kênh cá nhân của mình.
Ông Võ Quốc Hưng, giám đốc tăng trưởng Công ty truyền thông Tonkin, cho rằng rất nhiều trang tin, kênh YouTube, TikTok đang hoạt động như các cơ quan báo chí, đài truyền hình nhưng không chịu sự kiểm duyệt theo Luật Báo chí. "
Điều này dẫn đến thông tin sai lệch, giật tít câu view, gây hoang mang cho xã hội dù chẳng có bằng chứng nào", ông Hưng nói. Điều đáng nói là trong khi các trang báo chí chính thống, đài truyền hình phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt, các kênh YouTube, TikTok lại tự do hoạt động, không cần bất kỳ giấy phép nào.
Cũng theo ông Hưng, một tác động rất lớn của tình trạng "báo hóa", "truyền hình hóa" là ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức xã hội.
"Một cái tin giật gân lan truyền và được tin gấp sáu lần tin bình thường nên các kênh "báo hóa", "truyền hình hóa" thường giật tít, đưa tin một chiều để thu hút lượt xem, làm méo mó nhận thức của người xem, đặc biệt là gen Z (chiếm 25% dân số Việt Nam, theo Kantar 2024) - thế hệ làm chủ đất nước trong tương lai", ông Hưng đánh giá.
Do vậy theo các chuyên gia, cần thành lập cơ quan chuyên giám sát các kênh YouTube, TikTok, trang tin. Đơn vị này sẽ phối hợp các nền tảng (TikTok, YouTube...) theo dõi nội dung, xử lý vi phạm và có quyền yêu cầu nền tảng phải xử lý ngay các chế tài (cấm sóng, xóa nội dung...) khi có quyết định.
60% gen Z tin review
Theo số liệu từ nghiên cứu của Kantar năm 2024, Việt Nam có đến 60% thế hệ gen Z (khoảng 15 triệu người) tin vào review của KOL, KOC trên TikTok và có khoảng 40% trong số đó từng mua sản phẩm kém chất lượng do review không trung thực.
Người xem, đặc biệt là gen Z và Millennials (chiếm 70 triệu người dùng mạng xã hội tại Việt Nam), dễ bị cuốn vào các livestream bán hàng với lời quảng cáo hoa mỹ, dẫn đến một chuỗi hệ lụy như mua sắm bốc đồng, gây lãng phí tài chính, rồi lại gây áp lực lên môi trường...
Việc KOL/KOC bất chấp chất lượng sản phẩm để quảng cáo theo kịch bản cũng làm suy giảm chuẩn mực đạo đức trong truyền thông.
Ngoài ra nhiều KOL/KOC tự phong hợp tác với các thương hiệu không uy tín, quảng bá sản phẩm giả, kém chất lượng hoặc tham gia các mô hình đa cấp trá hình cũng góp phần trực tiếp đến việc làm tăng lừa đảo trên mạng.
Một hệ lụy khác là gây tác động xấu đến thị trường và cạnh tranh công bằng. Các doanh nghiệp chân chính hoặc doanh nghiệp nhỏ, không đủ ngân sách thuê KOL/KOC sẽ bị lép vế trước các thương hiệu lừa đảo do có biên lợi nhuận dày nên có ngân sách thuê KOL/KOC để "lăng xê" sản phẩm dù chất lượng không tốt.