Tháng 7/2017, tại Pháp, lần đầu tiên Liên Hợp Quốc công bố, ghi nhận quy mô của đại dịch HIV/AIDS đã được kiểm soát, tại Hội nghị Quốc tế về HIV/AIDS.
Báo cáo cho thấy, thế giới không chỉ giảm số ca lây nhiễm HIV và số ca tử vong do AIDS, mà ngày càng nhiều bệnh nhân được tiếp cận với các liệu pháp điều trị kháng HIV, giúp kéo dài sự sống. Tuy nhiên, việc phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, nhất là mục tiêu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV. Mặc dù đã đạt những tiến bộ đáng kể, nhưng thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm để hạn chế lây lan HIV/AIDS.
Tại Quảng Ninh, theo số liệu từ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1994, số trường hợp nhiễm HIV được xác định, số bệnh nhân AIDS cũng như số bệnh nhân tử vong do HIV/AIDS ghi nhận được đã gia tăng qua các năm. Vì mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình tư vấn, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS; chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xã hội ký cam kết phòng, chống HIV/AIDS đến từng địa phương, đơn vị; tổ chức các chương trình, hoạt động thông tin giáo dục thay đổi hành vi ở các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư, sử dụng nhóm tuyên truyền viên, đồng đẳng viên, cộng tác viên, y tế thôn, bản để truyền thông đến các khu dân cư về chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
Mạng lưới cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS của ngành Y tế đã tích cực bám địa bàn, các vùng điểm nóng để kịp thời tuyên truyền đến người dân, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Đây là lực lượng quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phòng, chống HIV, tạo sự đồng thuận khi triển khai các chương trình phòng, chống HIV nói chung và chương trình giảm tác hại nói riêng. Mạng lưới chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng được triển khai toàn tỉnh thông qua hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở và cộng tác viên tuyến xã, phường, thị trấn.
Công tác chăm sóc, hỗ trợ, điều trị ngày càng nhận được sự tham gia của nhiều ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế trong việc quan tâm giúp đỡ về y tế xã hội và đặc biệt trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và đảm bảo đủ nguồn thuốc điều trị. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức trong điều trị HIV/AIDS, nhất là số người tiếp cận với ARV đã tăng lên nhưng vẫn còn xa so với mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV.
Để thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90, tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, tỉnh cần quyết liệt triển khai toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán về chăm sóc, điều trị. Hoạt động dự phòng, can thiệp giảm tác hại cần ưu tiên tập trung các địa bàn có tình hình dịch HIV và có nguy cơ xuất hiện dịch HIV cao như Hạ Long, Cẩm Phả... Về xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV, cần tập trung mở rộng xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, bao gồm người có hành vi nguy cơ tự xét nghiệm. Tổ chức thực hiện điều trị ARV theo tiêu chuẩn mới: Điều trị ARV không phụ thuộc CD4 cho các đối tượng nhiễm HIV nguy cơ cao, phụ nữ mang thai nhiễm HIV, người nhiễm HIV ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cùng với đó, mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS bằng cách phân cấp và lồng ghép vào hệ thống khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu. Đồng thời tiếp tục truyền thông về lợi ích của điều trị bằng ARV, lợi ích của bảo hiểm y tế trong chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để người nhiễm HIV tiếp cận điều trị một cách bền vững...
Thanh Phong