Càng đến những ngày áp Tết, vấn đề thưởng Tết lại được dư luận và đông đảo người lao động quan tâm, bàn luận. Bởi lẽ làm việc vất vả cả năm, ai cũng mong muốn khi Tết đến, xuân về có một khoản tiền kha khá để mua sắm, chi tiêu trong dịp Tết cho gia đình, rồi còn cả trang sắm nhà cửa, mua quà Tết biếu hai bên nội, ngoại, người thân. Đó là chưa kể các khoản chi phí tàu xe đi lại đối với những lao động làm việc xa nhà, xa quê v.v.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 20/12, đã có 845 doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh có kế hoạch trả lương, thưởng Tết cho người lao động dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Theo đó, thưởng tết năm 2020 được chia thành các khu vực: Công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước; doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Dịp Tết dương lịch thường mức thưởng ở các doanh nghiệp không cao, bình quân chỉ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng, trong đó mức cao nhất khoảng 5 triệu đồng/người, thấp nhất 50 ngàn đồng/người. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp thưởng cao nhất lên tới hơn 20 triệu đồng/người, tùy thuộc hiệu quả sản xuất- kinh doanh của đơn vị và mức đóng góp công sức của người lao động.
Đối với Tết Nguyên đán, mức thưởng thường cao hơn nhiều so với Tết dương lịch. Theo đó, khu vực công ty TNHH một thành viên, mức thưởng bình quân là 5,8 triệu đồng/ người, mức cao nhất là 40 triệu đồng/ người, thấp nhất là 400 ngàn đồng/ người. Ở khối các công ty cổ phần có mức thưởng cao nhất, bình quân là 6,6 triệu đồng/người, mức cao nhất là hơn 82 triệu đồng/người, thấp nhất là 500 ngàn đồng/người. Còn ở khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng bình quân là hơn 4 triệu đồng/người...
Có thể nói, dịp Tết, nhất là Tết Nguyên đán, phần lớn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều có thưởng Tết cho người lao động, cán bộ, nhân viên. Điều này mang lại sự phấn khích, vui vẻ, tạo sự gắn bó, giữ chân người lao động với đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thưởng Tết của các doanh nghiệp đều phải căn cứ vào hiệu quả sản xuất- kinh doanh, mức lợi nhuận đạt được trong năm. Do vậy, xung quanh chuyện thưởng Tết cũng có nhiều tâm trạng khác nhau. Đơn vị, doanh nghiệp nào trong năm làm ăn tốt, lợi nhuận cao, mức thưởng cho cán bộ, nhân viên, người lao động cao, thì không khí ở đơn vị, doanh nghiệp đó phấn khởi, vui mừng, người lao động hỷ hả. Ngược lại, đơn vị nào sản xuất- kinh doanh kém hiệu quả, lợi nhuận thấp, thì mức thưởng cho cán bộ, nhân viên thấp, nhiều khi chỉ mang tính tượng trưng. Thậm chí đơn vị nào làm ăn thua lỗ thì người lao động gần như là không có thưởng...
Có một điều đáng nói, chuyện thưởng Tết năm nay còn tạo được sự chú ý, quan tâm của dư luận, khi Luật Lao động năm 2012 (sửa đổi) vừa được thông qua có nhiều thay đổi về hình thức thưởng của chủ sử dụng lao động đối với người lao động. Thay vì chỉ thưởng bằng tiền, quy định mới cho phép mở rộng hình thức thưởng ( gồm cả thưởng tết) bằng hiện vật hoặc dịch vụ. Mức thưởng căn cứ vào kết quả sản xuất- kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Tuy là quy định mới, nhưng thực tế cho thấy, ngay cả khi chưa có quy định này, thì nhiều đơn vị, doanh nghiệp trước đây cũng đã áp dụng hình thức thưởng bằng hiện vật, dịch vụ cho người lao động. Nếu đó là những hiện vật có giá trị, dịch vụ ý nghĩa thì còn khả dĩ, nhưng thực tế cũng có chuyện thưởng bằng hiện vật khiến người nhận dở khóc, dở cười. Ví dụ như có đơn vị may mặc thưởng bằng... quần đùi; đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng thưởng bằng... gạch v.v.
"Một trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng", câu ví này đã nói lên ý nghĩa của tiền thưởng. Vì vậy, trong dịp Tết sắp đến, các đơn vị, doanh nghiệp cũng cần chú trọng, quan tâm đến việc thưởng Tết cho người lao động, trên cơ sở hoạt động thực tế của đơn vị trong năm qua, để tạo sự phấn khởi, vui vẻ cho họ khi Tết đến, xuân về. Với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuât- kinh doanh khó khăn, cũng nên cố gắng đến mức cao nhất để có chút thưởng dù là nhỏ cho cán bộ, nhân viên. Trong trường hợp bắt buộc phải thưởng bằng hiện vật, thì cũng nên tính toán để những hiện vật đó có giá trị tương đối, hoặc kết hợp giữa thưởng một phần bằng hiện vật, một phần bằng tiền. Như vậy, người lao động sẽ cảm thấy ấm lòng hơn, đồng thời cảm thông với điều kiện khó khăn của doanh nghiệp, đơn vị...
Thanh Tùng