Tại Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 5 câu hỏi lớn. Đó là, làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam? Sáng kiến gì để loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu? Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, cơ hội, rủi ro và những định hướng thị trường đối với sản xuất, xuất khẩu? Tạo cầu cho hàng hóa thế nào? Đâu là khâu yếu của Việt Nam trong xuất khẩu hiện nay?
Theo Thủ tướng, người tìm lời giải cho những câu hỏi này chính là từ tầm nhìn của Chủ tịch địa phương, tầm nhìn của Bộ trưởng đều phải hướng về xuất khẩu để quốc gia có sự tăng trưởng tốt. Bởi không có nước nào trên thế giới có thể công nghiệp hóa, trở thành nước thu nhập cao mà không thành công trong xuất khẩu. Những quốc gia thành công, doanh nghiệp thành công đều coi toàn thế giới là thị trường phải vươn ra, từ đó tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm được thị trường quốc tế.
Với đặc thù của tỉnh biên giới có cả đường biên giới trên bộ, trên biển với thị trường đông dân, nền kinh tế phát triển nhất nhì thế giới là Trung Quốc, là cửa nối ASEAN với Trung Quốc nên Quảng Ninh là một trong những địa bàn trọng điểm của cả nước về hoạt động XNK. Phát huy lợi thế này, trong những năm qua Quảng Ninh đã tập trung đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng nối đến các cửa khẩu, cải cách hành chính, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đảm bảo thông thoáng, hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn theo hướng ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp. Vì vậy hoạt động XNK qua các cửa khẩu biên giới đường bộ của Quảng Ninh diễn ra sôi động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh biên giới, đời sống nhân dân đặc biệt nhân dân vùng biên giới được cải thiện. Kết quả xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới tỉnh Quảng Ninh đều có sự tăng trưởng cao.
Trong quý I/2018, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt 373,3 triệu USD, đạt 19,6% kế hoạch, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là than đá, quần áo các loại, xơ, sợi dệt… Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp đạt 401,4 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Giá trị hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan đạt 480 triệu USD, giảm 32,68% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vì vậy, tỉnh đang tập trung chỉ đạo rất quyết liệt các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chú trọng giảm chi phí không chính thức của doanh nghiệp; thường xuyên chấn chỉnh cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tiếp tục chấn chỉnh ngay công tác thanh, kiểm tra của các lực lượng chức năng. UBND tỉnh đã giao các ngành: Công an, Công Thương, Quản lý thị trường vừa kiểm soát tốt tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả nhưng không được gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền các địa phương có cửa khẩu biên giới trên bộ gồm Hải Hà, Móng Cái, Bình Liêu chủ trì xây dựng chương trình phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn để đẩy mạnh hoạt động kinh tế cửa khẩu biên giới.
Được biết, tại Hội nghị quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu vừa qua Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương phải trả lời được 5 câu hỏi và sẽ chọn lọc, đưa những nội dung này vào Chỉ thị của Thủ tướng về thúc đẩy xuất khẩu cả trước mắt và lâu dài. Góp phần “đông tay vỗ mới nên kêu”, Quảng Ninh đang có những giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế biên mậu gắn với thúc đẩy hoạt động XNK trên địa bàn.
Ngọc Lan