Những ngày này ở Singapore đang diễn ra SEA Games lần thứ 28. Và khi xem các VĐV thi tài mới thấy một giây, thậm chí là một phần mười, một phần trăm giây, là quan trọng đến thế nào.
Nhưng đó là trong thi đấu thể thao, còn ở đây lại là chuyện khác. Hôm rồi ở ngã tư Loong Toòng (TP Hạ Long), khi đèn đỏ báo hiệu vẫn còn tới 5 giây, đã thấy một vài người lách lên. Có một vị khách người nước ngoài đi chiếc xe đạp đứng phía trên vẫn thản nhiên yên vị... Ngay lập tức phía sau, còi xe máy, ô tô bấm thúc giục inh ỏi. Vị khách nước ngoài ngoái đầu lại, chỉ tay lên đèn đỏ, ý chừng bảo: Chưa đi được! Một tài xế ngó đầu qua cửa xe chửi đổng một câu rất tục mà tôi nghĩ nếu vị khách kia biết tiếng Việt, hẳn ông ta sẽ khó giữ được nét mặt thản nhiên như vậy.
Sự việc diễn ra chỉ trong chốc lát, sau đó mọi chuyện trở lại bình thường, cả dòng người chuyển động, tiếp tục hành trình. Những chiếc xe máy, ô tô “xuất phát” nhanh hơn một vài giây thực sự cũng chẳng để làm gì... Ấy thế nhưng, nếu để ý sẽ thấy đây không phải là hiện tượng cá biệt, nó diễn ra một cách phổ biến ở các ngã tư giao thông! Dường như với một số người, cái sự “xuất phát sớm” ấy không phải vì vội, mà vì một thói quen tuỳ tiện, thiếu ý thức, vốn đã “ăn sâu vào máu”. (Trong khi đó, vị khách nước ngoài kia cũng có một thói quen và thói quen đó cũng đã “ăn sâu vào máu”, là thói quen tự giác chấp hành luật lệ...).
Nhân chuyện này lại nhớ một chuyện cũng đã khá lâu rồi. Lần ấy, tôi tình cờ bắt gặp một phụ nữ (cũng lại là người nước ngoài) đi dạo cùng với một cậu bé (chắc là con trai của bà) dọc bờ kè ở khu du lịch Bãi Cháy. Cậu bé vừa ăn xong quả chuối và có vẻ hơi lúng túng không biết “xử lý” cái vỏ chuối như thế nào! Bà mẹ thấy vậy liền cầm lấy, đi tiếp một đoạn, khi đến thùng rác thì bỏ nó vào... Rõ ràng đây cũng lại là một thói quen, và nó được người lớn dạy cho con trẻ ngay từ khi chúng còn bé. Vậy nên chẳng có gì khó hiểu khi lớn lên, có những người quen tuỳ tiện, có những người quen tự giác chấp hành các quy định của cộng đồng! Chỉ tiếc một điều, cái thói quen tuỳ tiện dường như hiện nay ở ta phổ biến hơn là thói quen tự giác. Và càng đáng tiếc hơn nữa khi trong cộng đồng, cái thói quen tuỳ tiện chưa bị tẩy chay một cách quyết liệt, rất ít người thực sự bận tâm, thực sự cảm thấy ngượng, cảm thấy xấu hổ khi mình hoặc con cháu, người thân của mình v.v. có thói quen tuỳ tiện như đã nêu ở trên...
Lại nghĩ, để “Nụ cười Hạ Long” trở thành “thương hiệu”, trở thành một nét đẹp của người Quảng Ninh, trước khi bàn đến những chuyện to tát, có lẽ nên bắt đầu từ những chuyện nho nhỏ này đi đã!
Trung Luận