21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2350447
721472
Thiết thực tri ân người có công
thiet-thuc-tri-an-nguoi-co-cong
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Thiết thực tri ân người có công

Với truyền thống đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc, hằng năm, cứ đến ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam lại tưởng nhớ đến những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh hay để lại một phần xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Với truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc, hằng năm, cứ đến ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam lại tưởng nhớ đến những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh hay để lại một phần xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trên khắp cả nước, không riêng gì Quảng Ninh, những hoạt động tri ân đã được các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân... có tấm lòng thiện nguyện tổ chức với mong muốn chia sẻ khó khăn, mất mát với các gia đình chính sách, thương binh, người có công.

Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính từ năm 1945 đến nay, đã có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 1 triệu người bị thương và là bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, có hơn 127.000 bà mẹ có cả chồng lẫn con hoặc nhiều con đã hy sinh vì Tổ quốc. Số người được công nhận là người có công với nước là 9 triệu người (chiếm gần 10% dân số).

Những năm qua, phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng phát triển sâu rộng từ Trung ương đến địa phương và đã đạt được hiệu quả thiết thực, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Tính từ năm 2007 đến 2017, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” hơn 3.481 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa gần 165.000 “nhà tình nghĩa” với tổng trị giá gần 12.200 tỷ đồng; tặng gần 159.000 “sổ tiết kiệm tình nghĩa” trị giá gần 955.000 tỷ đồng. Chính phủ đã cấp cho các địa phương trên 2.450 tỷ đồng để hỗ trợ cho 80.000 hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở; 100% các Mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 97% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.

Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm nhưng hậu quả và dư âm của nó vẫn còn ảnh hưởng đến hôm nay. Đó đây biết bao nhiêu câu chuyện xúc động, đong đầy nước mắt về những người mẹ mòn mỏi chờ con dẫu hàng chục năm, những goá phụ trọn đời thờ chồng, những cựu chiến binh hàng chục năm lặn lội rừng sâu đi tìm đồng đội, những gia đình có con nhiễm chất độc da cam đến thế hệ thứ ba v.v.. Có lẽ hiếm có quốc gia nào có tới trên 9.600 đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ như ở Việt Nam. Con số ấy đủ nói lên đau thương, mất mát bởi chiến tranh lớn biết nhường nào.

Tháng 7 - Tháng tri ân. Cùng với cả nước, tỉnh Quảng Ninh cũng đã và đang có rất nhiều hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”. Đoàn công tác của tỉnh đã vào dâng hương các liệt sĩ tỉnh Quảng Ninh tại các nghĩa trang liệt sĩ phía Nam. Tỉnh và các địa phương đã có kế hoạch tổ chức các đoàn thăm, tặng quà các gia đình thân nhân liệt sĩ, thương binh, người có công; tổ chức hội nghị tuyên dương người có công tiêu biểu. Các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp cũng có nhiều hoạt động thiết thực tri ân cho người có công như xây dựng, sửa chữa nhà cửa; khám bệnh, phát thuốc miễn phí; tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức các chuyến tham quan mọi miền đất nước cùng nhiều hỗ trợ thiết thực khác...

Ngày 27-4-2017, phát biểu tại Lễ phát động ba tháng cao điểm vận động toàn dân thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (nay là Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh) đã nói: “Cùng Đảng, Nhà nước chăm lo cho người có công hôm nay là trách nhiệm và vinh dự thiêng liêng của mỗi gia đình Việt Nam với quá khứ hào hùng của dân tộc và với tương lai tươi sáng của các thế hệ mai sau”. 

Mỗi người, bằng những việc làm thiết thực của mình hãy chung tay góp sức động viên, chia sẻ khó khăn, thực hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” với thân nhân các liệt sĩ, thương binh, người có công. Đó cũng chính là thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình với non sông, đất nước.

Trần Minh

Cùng chuyên mục