21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2401920
825231
Thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý: Cuộc cạnh tranh của những người xuất sắc
thi-tuyen-chuc-danh-lanh-dao-quan-ly-cuoc-canh-tranh-cua-nhung-nguoi-xuat-sac
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý: Cuộc cạnh tranh của những người xuất sắc

Thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý như cách Quảng Ninh đã và đang làm chính là tạo cuộc cạnh tranh công bằng cho những người xuất sắc.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý.

Còn nhớ ở thời điểm khi lần đầu tiên việc thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý được tổ chức đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, người vui mừng, người băn khoăn, người lo mất suất, người lo thay đổi… Nhưng cuối cùng cuộc cạnh tranh công bằng của những người xuất sắc đã được dư luận vô cùng đồng tình và ủng hộ. Bởi đã tạo cơ hội cho lớp cán bộ trẻ có khát vọng, năng lực, trí tuệ thể hiện và khẳng định mình. Như một cuộc cách mạng giải phóng sức sáng tạo, những đề án thi tuyển được chuẩn bị công phu, thể hiện ước mơ, khát vọng, hoài bão, những sáng kiến, giải pháp, kinh nghiệm trong quản lý, điều hành phát triển ngành, lĩnh vực đã được bung ra. Thế hệ những cán bộ được bổ nhiệm sau thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý của Quảng Ninh đến nay đều đã khẳng định được năng lực công tác, có những cống hiến đóng góp xứng đáng đối với sự phát triển của ngành, lĩnh vực. Trên cương vị công tác họ đều đã nhận được sự tin tưởng, khâm phục, chứng minh được bản lĩnh, trí tuệ.

Dù rằng là tỉnh tiên phong, nhưng quy trình thực hiện thi tuyển, bổ nhiệm được Quảng Ninh thực hiện theo đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; phân công cấp ủy đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý theo yêu cầu; đảm bảo tính nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng và công tâm. Dư luận cả nước đã ghi nhận, đánh giá cao sự công khai, minh bạch của Quảng Ninh trong công tác cán bộ, trong bồi dưỡng, đào tạo “cái gốc của mọi công việc”. Và để cuộc cạnh tranh của những người xuất sắc thực sự chặt chẽ hơn, khoa học hơn, lựa chọn được những nhân tố tích cực để bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của tỉnh, Tỉnh ủy vừa ban hành Quy chế 05 về thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý.

Theo quy chế này việc tổ chức thi tuyển sẽ được thực hiện theo 2 phần gồm thi viết và thi trình bày đề án. Thí sinh sẽ chỉ được tham gia thi trình bày đề án khi đã qua được vòng thi viết (thi sát hạch ngoại ngữ và thi kiến thức chung). Điều này sẽ nâng cao chất lượng các thí sinh tham gia làm và thi trình bày đề án vừa tiết kiệm được thời gian, công sức của người tham gia dự thi vừa đảm bảo sự tập trung, chất lượng điểm chấm của Hội đồng thi.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã khẳng định: Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về Chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn; nguồn cán bộ quy hoạch khá dồi dào, cơ bản bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội... trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.

Có lẽ chưa thời điểm nào công tác cán bộ lại thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận như thời gian này. Trao quyết định bổ nhiệm, nghỉ hưu, công bố kỷ luật… là những từ khóa “hot” trên hệ thống tìm kiếm của google. Chính vì vậy, bố trí, sử dụng cán bộ đúng việc, bổ nhiệm đúng người, đúng thời điểm có ý nghĩa rất lớn trong khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt hiện nay. Việc đề bạt, bố trí và sử dụng cán bộ phải tuân theo một quy trình khoa học, thống nhất giữa các khâu từ phát hiện, tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đến đề bạt, bố trí và sử dụng cán bộ; phải xây dựng thành một tiêu chí cụ thể, rõ ràng, phải đáp ứng được yêu cầu công việc được giao.

Và thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý như cách Quảng Ninh đã và đang làm chính là tạo cuộc cạnh tranh công bằng cho những người xuất sắc, để người trúng tuyển hay không đều tâm phục, khẩu phục.

Ngọc Lan

 

Cùng chuyên mục