Cho ý kiến vào Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thống nhất sẽ ban hành Nghị quyết thí điểm việc thực hiện thí điểm này đối với 10 tỉnh, thành phố. Đó là, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Tiền Giang.
Theo Đề án thí điểm hợp nhất 3 văn phòng do Văn Phòng Quốc hội xây dựng đã được các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, 3 văn phòng sẽ được hợp nhất thành: "Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân”, dự kiến thực hiện từ ngày 1/1/2019 đến 31/12/2019. Đây sẽ là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, có chức năng tham mưu, tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại địa phương. Văn phòng là cơ quan tương đương cấp sở tại địa phương, trực thuộc Ủy ban nhân dân nhưng không phải là cơ quan chuyên môn.
Mục đích của việc hợp nhất 3 văn phòng không chỉ để tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ phận tham mưu, tổng hợp, giúp việc cho Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở các địa phương, mà còn nhằm tinh giản tổ chức, bộ máy đảm bảo sự gọn nhẹ, tránh trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ. Theo Đề án, sẽ có Chánh văn phòng, các phó chánh văn phòng và các đơn vị trực thuộc và kể từ năm 2020 số lượng Phó Chánh Văn phòng tại 10 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm sẽ không quá 4 người, riêng TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không quá 5 người.
Câu chuyện hợp nhất đối với tỉnh Quảng Ninh không còn là sự bỡ ngỡ và lúng túng. Bởi từ bắt đầu nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh đã từng bước tiến hành hợp nhất một số cơ quan, đơn vị như hợp nhất Ủy Ban kiểm tra và Thanh tra, Phòng nội vụ và Ban Tổ chức (ở cấp huyện). Riêng với huyện Cô Tô và huyện Tiên Yên đã thực hiện việc nhất thể hóa chức danh người đứng đầu là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND nên đã thực hiện hợp nhất 3 văn phòng: Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Thực tế việc hợp nhất ở Quảng Ninh đã thấy rõ không chỉ là sự hợp nhất về mặt cơ học mà hiệu quả ban đầu là thống nhất được hệ thống, các cơ quan không dẫm chân nhau, nhưng vẫn thực hiện được đầy đủ các chức năng của các tổ chức. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tập trung, thống nhất, cơ chế giao ban rõ ràng nên không còn chuyện “quyền anh, quyền tôi”, không có “quân anh, quân tôi”.
Hội nghị Trung ương 6 (tháng 10/2017) đã ban hành Nghị quyết số 18 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới tổ chức, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết đã đề cập tới 6 thí điểm lớn, như người đứng đầu ban đảng đồng thời đứng đầu cơ quan chuyên môn của UBND cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; hợp nhất về mặt tổ chức cơ quan ban đảng với cơ quan chuyên môn của UBND cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; Trưởng Ban dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ cấp huyện; hợp nhất cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện có chức năng, nhiệm vụ gần nhau, liên quan nhiều tới nhau như giao thông với xây dựng, kế hoạch với tài chính; hợp nhất 3 văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…
Như vậy, việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng: Đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã có định hướng rất rõ từ chủ trương của Bộ Chính trị, cũng là gỡ những vướng mắc cho các địa phương đã và đang chủ động tiên phong thực hiện thí điểm hợp nhất như Quảng Ninh.
Tất nhiên với một cách làm mới, chưa có tiền lệ, chắc chắn sẽ còn có nhiều những băn khoăn, những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ, nhưng dư luận chung trong nhân dân, trong cán bộ, đảng viên và các chuyên gia nghiên cứu về hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước đều cho rằng, việc hợp nhất không chỉ với 3 văn phòng cấp tỉnh mà với nhiều cơ quan, đơn vị khác trong cùng hệ thống chính trị là rất hợp lý.
Ngọc Lan