Được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ quan trọng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực biên giới; quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh, đấu tranh chống tội phạm; tham gia làm công tác đối ngoại... Bộ đội biên phòng là một trong lực lượng “gánh” nhiều vai nhất trong các lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dọc chiều dài biên giới Việt Nam, khó có thể kể hết những công việc mà cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã và đang làm như tham gia cấp uỷ ở địa phương, khám chữa bệnh, dạy chữ cho người dân, là tuyên truyền viên, cán bộ khuyến nông đến... mai mối v.v.. Tất cả những việc làm đó của cán bộ, chiến sĩ biên phòng đều hướng tới một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đó là xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”.
An dân, chăm lo cho dân, thực hiện “khoan thư sức dân”, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là một trong những kế sách lớn hàng đầu mà bất cứ triều đại phong kiến nào của nước ta cũng nhận thức và thực hiện để giữ nước ngay từ thời bình. Thời đại ngày nay và có lẽ cả những năm sau này nữa, kế sách ấy vẫn đặc biệt quan trọng. Nhận thức được điều ấy, những năm qua, cùng với Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều sự quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với đồng bào các xã vùng sâu, vùng xa, nhất là khu vực biên giới của tỉnh. Cụ thể là đầu tư về điện, đường, trường, trạm, các cơ chế hỗ trợ về vay vốn, giáo dục đào tạo, hỗ trợ cây, con giống, xây dựng các thiết chế văn hoá... Cuối năm 2016, kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khoá XIII đã thông qua nghị quyết về bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Mấy năm qua, với sự chung tay của các doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan, đoàn thể, chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” triển khai tại 11 tỉnh, trong đó có Quảng Ninh đã góp phần giúp các hộ nghèo vùng biên giới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, còn phải kể đến các hỗ trợ về vật liệu xây dựng, ngày công lao động làm nhà, di dời chuồng trại, làm đường giao thông... Trong tất cả các phần việc đều có sự tham gia của cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đứng chân tại địa phương. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm bám bản, chia sẻ với đồng bào. “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Bác sĩ quân hàm xanh” từ lâu đã là câu nói quen thuộc khi nói về cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi biên giới. Ngoài khám bệnh, dạy chữ, cán bộ, chiến sĩ biên phòng nhiều nơi còn là người “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn, vận động đồng bào áp dụng khoa học vào sản xuất, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh, ăn ở hợp vệ sinh, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng chính là nhân tố quan trọng để các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhận thức được vai trò, trách nhiệm đối với việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, đồng bào các dân tộc khu vực biên giới đã sát cánh cùng bộ đội biên phòng và cấp uỷ, chính quyền địa phương bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh trật tự khu vực biên giới, giữ mối quan hệ tốt với địa phương tiếp giáp biên giới của Trung Quốc, đấu tranh phòng chống tội phạm, vạch rõ âm mưu thủ đoạn thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, phản động hòng kích động chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, gây mất ổn định chính trị, an ninh trật tự ở khu vực biên giới... Ghi nhận những đóng góp của đồng bào các dân tộc biên giới, hàng năm, tỉnh đều tổ chức hội nghị gặp gỡ, biểu dương các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn tỉnh. Hơn ai hết, chính họ cùng với bộ đội biên phòng là những hạt nhân để xây dựng nên một thế trận lòng dân vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.
Trần Minh