Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức phổ biến trên thế giới. Về tiện ích của thanh toán điện tử thì không cần phải bàn, có rất nhiều tác dụng. Xin lấy ví dụ như sau: Trước đây dùng dịch vụ di động trả sau, hằng tháng tôi phải ra nơi thu tiền của nhà mạng để trả. Mỗi khi đi công tác xa nhà thì phải nhờ người trả hộ, nếu quên thanh toán thì sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ. Từ khi có dịch vụ tự động trả tiền dịch vụ di động trả sau qua tài khoản cá nhân người sử dụng, đăng ký phương thức thanh toán này, tôi chẳng còn phải mất thời gian và chi phí đi lại.
Hơn một năm nay, kể từ khi Điện lực Hạ Long và Vietcombank phối hợp thực hiện thanh toán tiền điện cho các khách hàng có nhu cầu đã giúp nhiều gia đình không phải mất công đi nộp tiền điện hằng tháng. Tuy nhiên, chỉ ai có tài khoản của Vietcombank mới thực hiện được việc này nên cũng như nhiều người, tôi đành phải mở thêm một tài khoản nữa để đỡ phải đi trả tiền điện hằng tháng. Một đồng nghiệp của tôi cho biết, tiền học phí hằng tháng của con cô này là học sinh của Trường Đoàn Thị Điểm Hạ Long cũng được trả thông qua e-mobile banking. Cứ đầu tháng, mở điện thoại ra bấm máy vài thao tác là đã nộp được học phí cho con, rất thuận tiện và văn minh.
Cùng với các dịch vụ thiết yếu trên, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chấp nhận thanh toán điện tử thông qua việc chuyển khoản, quẹt thẻ ở các máy POS. Thế nhưng vẫn còn những dịch vụ thiết yếu đối với người dân chưa triển khai việc thanh toán điện tử, gây phiền hà cho khách hàng. Như ngành nước ở tỉnh chẳng hạn, khách hàng của ngành này vẫn phải mất công đi trả tiền sử dụng nước hằng tháng.
Thị trường thanh toán điện tử Việt Nam bắt đầu phát triển từ năm 1990 với sự xuất hiện của các máy POS và thẻ thanh toán quốc tế. Sau 1/4 thế kỷ, phương thức này đã có những bước tiến vượt bậc, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng và sự phát triển của các kênh bán lẻ hiện đại.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Bộ Công Thương năm ngoái, thẻ tín dụng chỉ chiếm 7% trong các giao dịch mua hàng trực tuyến, tiền mặt (COD) vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay.
Cùng với sự thiếu chủ động của nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp công ích, theo các chuyên gia, sự thiếu tin tưởng của người tiêu dùng, cảm giác sợ bị lừa hoặc cảm thấy rủi ro khi mua hàng và đặc biệt khi thanh toán trực tuyến khiến hoạt động thương mại điện tử nói chung và thanh toán trực tuyến nói riêng tại Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại.
Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 được ban hành theo Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 8-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ đề ra chỉ tiêu: 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ của các cá nhân, hộ gia đình qua phương tiện điện tử. Để đạt được điều này, cần sớm khắc phục những rào cản nêu trên.
Ngọc Hà