Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan để nghe đơn vị tư vấn báo cáo kết quả nghiên cứu dự án thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui, huyện Tiên Yên. Dự án do UBND tỉnh làm chủ đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì thực hiện; Trường Đại học Khoa học tự nhiên là đơn vị tư vấn...
Phạm vi không gian nghiên cứu của dự án là toàn bộ diện tích xã Đồng Rui và một phần các xã Cộng Hoà (TP Cẩm Phả), Đài Xuyên, Bình Dân (huyện Vân Đồn), với tổng diện tích là 15.778ha...
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan cho rằng, cần sớm khoanh vùng khu bảo tồn để bảo vệ, tăng cường quản lý nguồn phát thải trong khu vực và thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn cũng như xây dựng quy chế quản lý Khu bảo tồn...
Việc nghiên cứu thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui là rất cần thiết, nhằm mục đích bảo tồn, quản lý, phát triển bền vững hệ sinh thái tại khu vực, đồng thời phát huy hiệu quả cả về kinh tế, xã hội của Khu và tiến tới từng bước đưa Khu bảo tồn này có tầm vóc quốc gia và quốc tế...
Vùng đất ngập nước Đồng Rui rộng khoảng 3.000ha, trong đó diện tích có rừng ngập mặn là 1.750ha. Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng, rất đặc trưng với nguồn lợi hải sản phong phú, gồm nhiều loại có giá trị kinh tế cao. Và từ bao đời nay khu vực đất ngập nước này đã là nguồn sinh kế quan trọng của nhiều người dân địa phương...
Những lợi thế, đặc điểm về mặt tự nhiên là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn và du lịch trải nghiệm ở khu vực này. Và trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như huyện Tiên Yên trong thời gian tới cũng đã xác định phát triển kinh doanh du lịch sinh thái tại Đồng Rui...
Ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay việc xây dựng, hình thành các khu bảo tồn thiên nhiên luôn được chú trọng, trong đó có khu bảo tồn đất ngập nước, nhất là trong bối cảnh tác động của sự biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Ở ngay cạnh Quảng Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Cụ thể, TP Bắc Hải thời gian qua đã quan tâm phục hồi vẻ đẹp tự nhiên của vùng đất ngập nước ven biển trên địa bàn thông qua việc thành lập Công viên đất ngập nước quốc gia ven biển Bắc Hải (thành lập năm 2011). Công viên có tổng diện tích 2009,8ha, với diện tích đất ngập nước là 1.827ha, trong đó diện tích rừng ngập mặn trên 200ha. Cũng giống như ở Quảng Ninh, trong một thời gian dài rừng ngập mặn ở Quảng Tây cũng bị người dân xâm hại, tàn phá để nuôi trồng thuỷ sản, chăn thả gia cầm, dẫn tới diện tích bị thu hẹp nhiều. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vùng đất ngập nước, hệ sinh thái rừng ngập mặn, nên sau khi Công viên được thành lập, công tác quản lý đã được tăng cường. Bên cạnh việc ngăn chặn, xoá bỏ những vùng nuôi trồng hải sản trong vùng đất ngập nước, chính quyền địa phương cùng các nhà khoa học đã tích cực khôi phục, mở rộng diện tích rừng ngập mặn bằng cả biện pháp nhân tạo và khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên. Do vậy, chỉ sau vài năm diện tích trồng được đã phát triển lên 20ha và từng bước trở thành rừng ngập mặn. Việc làm này đã góp phần tích cực bảo vệ hệ sinh thái vùng đất ngập nước và phục vụ cho việc tham quan, du lịch của người dân...
Từ kinh nghiệm của TP Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), thiết nghĩ Quảng Ninh cũng nên khẩn trương thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui (và có thể ở cả những nơi khác nếu hội tụ đầy đủ các điều kiện), để bảo tồn, quản lý, phát triển tốt hơn, bền vững hơn hệ sinh thái của khu vực. Qua đó phát huy hiệu quả cả về kinh tế và xã hội, đặc biệt là phục vụ tốt cho phát triển du lịch của Khu bảo tồn...
Thanh Tùng