Trước sự quan tâm của người dân về phương án giải quyết tình trạng ngập lụt trên địa bàn TP Cẩm Phả, phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hồng Dương, Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả xoay quanh nội dung này.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Hồng Dương. |
- Trong đợt mưa bão vừa qua, tại TP Cẩm Phả đã xảy ra ngập úng cục bộ nhiều khu dân cư, đường giao thông ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Nhất là tại khu vực Đèo Bụt, phường Quang Hanh. Theo đồng chí, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì?
+ Có thể thấy, nguyên nhân chung của việc ngập úng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay chủ yếu là do tốc độ đô thị hóa nhanh, hệ thống thoát nước cũ không đồng bộ, tính kết nối kém và chưa đáp ứng được yêu cầu; diện tích bê tông hóa ngày càng tăng. Kết hợp với tác động biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều, đặc biệt là mưa lớn, kéo dài, dẫn đến ngập lụt tại một số điểm. TP Cẩm Phả cũng là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh chịu chung tình trạng này.
Không chỉ có vậy, Cẩm Phả còn do bị tác động lớn của công nghiệp khai thác than nên dẫn tới sự thay đổi về dòng chảy, địa hình, địa mạo là những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ ngập úng khá lớn. Riêng tình trạng ngập lụt tại khu vực Đèo Bụt, phường Quang Hanh có nguyên nhân chủ yếu là bởi việc thoát nước tại khu vực này từ trước đến nay phụ thuộc vào hệ thống thoát nước kín, cũ và các khe nước qua hệ thống hang luồn thoát nước tự nhiên trong khi địa hình tại khu vực Đèo Bụt trũng, nên khi mưa lớn kéo dài, hệ thống thoát nước không đảm bảo tiêu thoát dẫn đến hiện tượng ngập úng cục bộ...
- Để khắc phục tình trạng trên, UBND thành phố có những giải pháp gì, thưa đồng chí?
+ Công tác phòng chống, kiểm soát, khắc phục các hậu quả do mưa lũ được TP Cẩm Phả đặc biệt quan tâm, nhất là sau thời điểm mưa lũ lịch sử năm 2015, thành phố đã tập trung tối đa các nguồn lực để đầu tư cho các công trình phòng chống và khắc phục mưa lũ. Điển hình là từ năm 2016 đến nay, thành phố đã triển khai đầu tư 48 công trình nâng cấp, sửa chữa, nạo vét tuyến mương cống thoát nước với kinh phí hơn 160 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ cho 332 hộ xây dựng các công trình phụ trợ (kè, taluy...) bị sạt lở với tổng kinh phí 6,7 tỷ đồng. Phối hợp với các đơn vị ngành Than xây dựng 4 công trình, nạo vét, khơi thông 23 tuyến mương, cống thoát nước với số tiền 27,7 tỷ đồng. Đến nay, hệ thống thoát nước tại các khu vực nội thị của thành phố đã đảm bảo việc tiêu thoát nước khi có mưa lớn, kéo dài; cơ bản không làm ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, thành phố đang tập trung thực hiện Đề án di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nguy hiểm, trong đó đã hoàn thành tại phường Mông Dương. Tại xã Dương Huy hiện còn 44 hộ, thành phố đang tập trung chỉ đạo vận động di dời và dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2018.
Về việc xử lý ngập lụt tại khu vực Đèo Bụt, phường Quang Hanh, thành phố đang khẩn trương đào thông tuyến mương đất rộng 6-9m, dài 300m, sâu 3-5m dẫn về phía cửa hang Hà Phong, đảm bảo độ dốc thoát nước, mở rộng lòng cửa hang, phá, khơi thông các chân núi đá để nước thoát qua các cửa hang. Đồng thời, lắp đặt cố định hệ thống trạm bơm 400m3/h tại khu vực trũng nhất (đoạn trước cổng Công ty An Lạc Viên) và đảm bảo nguồn điện từ trạm biến áp 400 KVA. Chúng tôi cũng có phương án dự phòng trong trường hợp mất điện lưới và bố trí cán bộ trực kịp thời vận hành 24/24h khi mưa bão xảy ra.
Cùng với đó, thành phố cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, cảnh báo cho người dân, nhất là các hộ dân nhà ở những khu vực chân đồi, chân các núi đá… nâng cao cảnh giác, có giải pháp, phương án đảm bảo an toàn cho các hộ dân mỗi khi xảy ra mưa lũ kéo dài, nhằm phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tối đa những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Cùng giải pháp trước mắt nói trên, về lâu dài, UBND thành phố đã chỉ đạo Ban QLDA công trình phối hợp với đơn vị tư vấn (Trung tâm tư vấn kỹ thuật và giám sát công trình xây dựng) nghiên cứu khảo sát, thiết kế lại toàn bộ hệ thống thoát nước khu vực Km15. Quy mô đầu tư cụ thể gồm xây dựng mới 1 hồ điều hòa (phía cuối đài hóa thân), dung tích trữ lượng nước khoảng 60.000m3; nạo vét, sửa chữa hệ thống cống thoát nước khu vực; thiết kế, xây dựng mới hệ thống cống khẩu độ lớn dẫn nước phía thượng lưu vào hồ điều hòa; làm đường công vụ, khơi thông cửa hang (phía cuối đài hóa thân); nạo vét hố thu, hệ thống rãnh thoát nước và cửa hang (bên phía nghĩa trang), làm mới hố thu tại các cửa thượng lưu và hạ lưu cống.
- Cẩm Phả là nơi chịu nhiều áp lực về môi trường do khai thác than. Vậy địa phương có kiến nghị gì đối với ngành Than để giảm thiểu tác động do khai thác than gây ra?
+ Cẩm Phả là một địa bàn trọng điểm về khai thác than, ngoài những đóng góp to lớn về kinh tế và an sinh xã hội, hoạt động khai thác than cũng gây nhiều áp lực cho địa phương về môi trường. Bởi khai thác than làm thay đổi địa hình, địa mạo, dòng chảy, giảm diện tích đất rừng, gây bồi lắng sông suối, các nguy cơ sạt lở bãi thải đặc biệt vào thời điểm các mùa mưa bão… Từ bài học của năm 2015, những năm gần đây, ngành Than đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố khắc phục.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả và bền vững đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống mưa, lũ, thành phố rất cần sự vào cuộc tích cực, chủ động hơn nữa của các doanh nghiệp ngành Than. Đặc biệt là việc tăng cường triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, phòng chống giảm nhẹ thiệt hại gắn với thực hiện chủ đề công tác năm 2018 của tỉnh Quảng Ninh “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”. Điển hình là đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 222/QĐ-UBND ngày 25/1/2018; ngừng nghiên cứu việc mở rộng khai trường hoặc đổ thải ra khu vực phía nam sát các khu dân cư của thành phố; phối hợp với tỉnh, thành phố nghiên cứu phương án giảm độ cao các bãi thải; gia cố đê chắn tại các chân bãi thải; đập ngăn đất đá lớn, mương thoát nước chân bãi thải đảm bảo an toàn, tránh sạt lở khi có mưa lớn kéo dài...
Ngành Than cần tiếp tục tăng cường hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường, quan tâm trồng, chăm sóc cây phủ xanh, hoàn nguyên môi trường các khu vực dừng khai thác và tại các bãi thải; phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan, như: Nạo vét hạ lưu các tuyến sông, suối bị bồi lấp do ảnh hưởng hoạt động khai thác than, triển khai Đề án di dân ra khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nguy hiểm...
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Tuấn Hương (Thực hiện)