Ngay từ những tháng đầu năm, tại khắp các xã vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh, khí thế thi đua sôi nổi, khẩn trương, gấp rút diễn ra trên nhiều công trình. Xác định kết cấu hạ tầng là điều kiện tiên quyết để người vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách, Quảng Ninh đã tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, liên thông.

Hoàn thiện hạ tầng đồng bộ
Đầu năm 2025, hai công trình nâng cấp hệ thống cấp nước sạch cho các thôn, bản trên địa bàn xã Quảng An và Quảng Lâm, huyện Đầm Hà đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó, công trình cấp nước sạch cho 7 thôn xã Quảng An có vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng sẽ cung cấp nước sạch cho 700 hộ dân với khoảng 2.800 nhân khẩu và cho các trường, cơ quan, đơn vị; công trình nâng cấp hệ hống cấp nước sạch Siềng Lống có vốn đầu tư gần 13 tỷ đồng cung cấp nước sạch cho 500 hộ dân, 2.000 nhân khẩu và cho trường, cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã Quảng Lâm. Việc đưa vào sử dụng công trình đã đáp ứng niềm mong mỏi sử dụng nước sạch của người dân từ nhiều năm nay, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn các xã.

Ông Chíu A Sy, bản Siềng Lống, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà cho biết: Giống như nhiều người dân trong bản, trước đây, gia đình tôi sử dụng nước khe, suối. Sau nhiều năm sử dụng, các đường ống dẫn nước về hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh. Vào mùa khô, nước khe, suối cạn nên tôi phải đi cả chục cây số để gánh nước về để sử dụng. Vì thế, khi được huyện quan tâm đầu tư hệ thống nước sạch rồi hỗ trợ lắp đặt đường ống tới từng hộ dân, gia đình tôi vui mừng, phấn khởi lắm. Có nước sạch sử dụng, gia đình yên tâm hơn, sức khoẻ tốt hơn, cuộc sống đầy đủ hơn.
Cùng với công trình nước sạch tại bản Siềng Lống, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà, chỉ ít ngày nữa, ngôi trường THPT Ba Chẽ khang trang, đồng bộ, hiện đại cũng sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng. Công trình được khởi công vào giữa năm 2024 với các hạng mục: Nhà hiệu bộ, thư viện, bộ môn; nhà học lý thuyết, bộ môn và các hạng mục phụ trợ khác; tổng mức đầu tư gần 64 tỷ đồng. Công trình được xây dựng nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất, đảm bảo tiêu chuẩn mức 2 theo quy định của Bộ GD&ĐT, hướng tới xây dựng Trường THPT Ba Chẽ là cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trong khu vực.

Bà Đinh Thị Nguyệt, Phó Hiệu trưởng THPT Ba Chẽ, cho biết: Phần lớn học sinh nhà trường đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh và địa phương, chất lượng giáo dục được nâng cao. Trong đó, tỷ lệ học sinh đạt loại khá, tốt tăng cao, đạt 9 giải học sinh giỏi cấp tỉnh và nhiều giải thưởng tại các cuộc thi. Đặc biệt, cô và trò nhà trường còn vô cùng vui mừng, phấn khởi, háo hức khi sắp được học tập trong ngôi trường mới với 18 phòng học, 7 phòng bộ môn cùng sân bóng, nhà đa năng… Đây là sự quan tâm rất lớn của tỉnh và địa phương dành cho học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, phát triển nguồn nhân lực.
Thời gian qua, tỉnh đã ban hành các nghị quyết thực hiện chương trình MTQG để tạo sức bật phát triển và nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, miền núi trên địa bàn; đồng thời ưu tiên dành nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước, huy động tổng thể các nguồn lực khác tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng động lực với vùng khó khăn; gắn kết với các trung tâm kinh tế, trung tâm đô thị, các vùng động lực, KKT, KCN nhằm thúc đẩy phát triển nhanh bền vững; tiếp tục ưu tiên đầu tư cho hạ tầng giáo dục, y tế; đầu tư, nâng cấp công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt, hạ tầng điện, viễn thông, thiết chế văn hóa...
Nhiều dự án giao thông nổi bật, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tăng cường liên kết vùng, góp phần kéo giảm khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền khác được đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống người dân như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh (giai đoạn 2); dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ và 6 dự án hạ tầng giao thông động lực trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL279; dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 333… Song song với đó, bằng đa dạng các nguồn lực, nhiều tuyến đường nối các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tiếp tục được đầu tư, từ đó, kéo ngắn khoảng cách giữa các vùng miền trong một tương lai không xa.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Tiên Yên, Nguyễn Trung Đông cho biết: Là huyện miền núi, thời gian qua, huyện Tiên Yên luôn quan tâm dành nguồn lực đầu tư đồng bộ các công trình giao thông nông thôn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đáng chú ý là dự án nâng cấp, mở rộng đường liên xã từ thôn Đông Thắng, xã Đông Ngũ lên xã Đại Dực mở ra thời cơ, vận hội mới để địa phương này phát triển. Dự án có tổng mức đầu tư 84 tỷ đồng dài 10,83km, rộng 6,5m, quy mô đường cấp V miền núi, vận tốc thiết kế 30km/giờ. Mặc dù quy mô tuyến đường không lớn, nhưng quá trình thi công phải nắn gần 200 điểm cua. Trong đó, nhiều đoạn phải xẻ núi, bạt đồi, nâng cao độ mặt đường nên gặp không ít trở ngại. Tuy nhiên, do có đủ mặt bằng, nhà thầu đủ năng lực, nên tiến độ dự án được đảm bảo, hiện nhiều đoạn đã hoàn thành và được trải nhựa. Tính đến nay, dự án đã hoàn thành 85% tiến độ, phấn đấu đưa vào sử dụng trước 30/4/2025 đáp ứng nhu cầu của người dân xã vùng cao, khai thác tiềm năng du lịch, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Trao cơ hội làm giàu

Đại hội XV, nhiệm kỳ 2020-2025 của Ban Chấp Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã xác định rõ quan điểm, định hướng phát triển con người, đảm bảo và cải thiện dân sinh làm mục đích; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn; xây dựng nông thôn mới; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân. Do đó, việc phát triển sản xuất là một trong những giải pháp then chốt để giúp cho người dân, nhất là người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Để loại bỏ tư tưởng trông chờ, khơi dậy ý chí vươn lên, thôi thúc khát vọng làm giàu của người dân, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, đồng hành, trao cần câu cho người dân. Ngoài cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn như: Xây dựng cơ chế cho vay hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh; Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để triển khai thực hiện, trong đó, cân đối ngân sách ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho vay giải quyết việc làm theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng cho vay đến các dự án sản xuất kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển sản xuất lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó, hàng năm bố trí vốn cho vay đối với chủ rừng tham gia phát triển trồng rừng cây gỗ lớn và cây bản địa; ban hành Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 30/3/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh (cao hơn 1,4 lần so với chuẩn quốc gia)… Trên cơ sở đó, tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện mở rộng phạm vi địa bàn, đối tượng và bố trí vốn ngân sách để thực hiện chính sách vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh tập trung huy động vốn của tổ chức, cá nhân trên thị trường; đồng thời, quan tâm xây dựng, lồng ghép các chương trình tín dụng chính sách xã hội với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từng giai đoạn (giai đoạn 2016-2020; giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030).
Hàng năm, UBND tỉnh đều bố trí nguồn vốn để cho vay giải quyết việc làm theo chương trình việc làm của tỉnh giai đoạn 2015-2020 và giai đoạn 2021-2025, nhất là ưu tiên nguồn vốn cho vay đối với hộ gia đình, người lao động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo tạo sinh kế, việc làm và thu nhập cho người dân.

Bằng đa dạng nguồn vốn, toàn tỉnh hiện có trên 90.000 người dân đang vay vốn với tổng dư nợ 5.407 tỷ đồng. Trong đó, 301 hộ vay vốn dân tộc thiểu số với dư nợ 14,8 tỷ đồng, trên 52.000 người dân vay vốn giải quyết việc làm với dư nợ 3.387 tỷ đồng, 4.100 người dân vay vốn phát triển sản xuất với dư nợ 360 tỷ đồng… Bằng số vốn vay, người dân đã đầu tư thực hiện đa dạng mô hìnhh kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Anh Trưởng A Sám, bản Lồ Má Coọc, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, cho biết: Gia đình tôi thuộc hộ nghèo của xã. Thông qua Hội Nông dân xã, năm 2023, gia đình tôi được vay 50 triệu từ nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH huyện Hải Hà. Bằng số tiền vay được, gia đình tôi đã đầu tư cây giống trồng 1,2ha rừng. Nhận thấy hiệu quả của việc trồng rừng, gia đình tiếp tục vay thêm vốn tín dụng chính sách để mở rộng diện tích rừng. Gia đình cứ vay rồi tích luỹ trả rồi lại vay để có thêm động lực phát triển sản xuất. Đến nay, gia đình đã có 5ha trồng quế, keo, giổi… Chính những cánh rừng cùng nguồn vốn tín dụng chính sách đã không chỉ giúp gia đình thoát nghèo bền vững, mà còn có của ăn, của để, nhà cửa khang trang, cuộc sống sung túc.
Giờ đây, khi về thôn, bản, xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo… người ta dễ dàng nhìn thấy những ngôi nhà cao tầng san sát, những mảnh vườn cây trái trĩu quả, những cánh rừng trù phú. Hạ tầng đồng bộ, đời sống nâng cao, nhân dân hạnh phúc không chỉ hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, mà còn là nền tảng vững chắc để Quảng Ninh cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.