Từ ngày 1-2-2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ (thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP) về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành. Theo đó, tăng mức phạt tiền (tăng từ 10 đến 25 lần) đối với các hành vi gây mất vệ sinh nơi công cộng, khu chung cư, khu thương mại, dịch vụ v.v.. Cụ thể như sau: Vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 0,5 đến 1 triệu đồng; vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng; vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng...
Thực hiện các quy định theo Nghị định, những ngày qua, các địa phương trong cả nước đã tích cực thông tin, tuyên truyền đến người dân về các nội dung của Nghị định và cũng đã tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm. Mới đây, ngày 13-2, Đội Cảnh sát môi trường - Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã có quyết định xử phạt hành chính mức 2 triệu đồng/người đối với 3 lái xe taxi vì hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định trên địa bàn. Để các đối tượng bị xử phạt “tâm phục, khẩu phục” và được dư luận đồng tình, các lực lượng chức năng của quận đã ghi hình toàn bộ hành vi của các đối tượng vi phạm. Mặc dù cũng viện dẫn ra nhiều lý do, nhưng trước những bằng chứng rõ ràng, các đối tượng đã chấp hành quy định xử lý của cơ quan công an. Và để tăng tính nghiêm minh trong thực hiện các quy định của pháp luật, theo lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai, nếu các đối tượng trên tái phạm thì ngoài xử phạt hành chính với mức tiền cao hơn, sẽ áp dụng thêm hình thức cưỡng chế lao động công ích dọn dẹp vệ sinh công cộng...
Nhìn chung, sau khi Nghị định 155 có hiệu lực thi hành với mức xử phạt vi phạm hành chính tăng lên gấp nhiều lần so với quy định trước đó, đã được dư luận đồng tình và ủng hộ. Bởi lẽ, khi xử phạt ở mức cao, ảnh hưởng mạnh đến túi tiền của người dân thì khả năng ngăn chặn, răn đe đối với các hành vi vi phạm mới có tác dụng, hiệu quả. Ý thức của người dân từ đó cũng sẽ được nâng cao hơn, trật tự đô thị, kỷ cương xã hội mới được thực hiện tốt và đi vào nền nếp...
Tuy nhiên, do hệ thống cơ sở hạ tầng, các điều kiện cần thiết để cho người dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong các khu đô thị, chung cư, nơi công cộng, khu thương mại, dịch vụ còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là thiếu hệ thống các nhà vệ sinh công cộng, hoặc nếu có nhưng chất lượng không đảm bảo, nên cũng gây nhiều băn khoăn, lo ngại cho người dân...
Bởi vậy, để tạo thuận lợi cho người dân thực hiện tốt các quy định về vệ sinh môi trường, trước hết chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng cần tăng cường đầu tư, xây dựng hệ thống các nhà vệ sinh công cộng đảm bảo chất lượng, sạch sẽ, phân bố hợp lý, tăng cường các thùng rác công cộng với mật độ phù hợp trong các đô thị, ở những nơi công cộng đông người qua lại. Một khi đã tạo các điều kiện thuận lợi mà người dân vẫn vi phạm thì việc bị xử phạt cũng sẽ thuận lợi hơn, người vi phạm không có lý do gì để không chấp hành. Ngược lại, khi các điều kiện không đảm bảo, khó thực hiện thì sẽ khó thuyết phục khi tiến hành xử phạt...
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, đặc biệt là ở các đô thị lớn như các thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái, vấn đề khó khăn và nan giải nhất khi thực hiện Nghị định 155 là quá thiếu các nhà vệ sinh công cộng đảm bảo chất lượng, thuận tiện. Vì vậy, để thực hiện tốt các quy định về vệ sinh môi trường, các địa phương này bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, tính tự giác cho người dân, cũng cần khẩn trương đầu tư, xây dựng các công trình vệ sinh công cộng, hệ thống thu gom rác văn minh, hiện đại, tương xứng với vị trí là các trung tâm du lịch - dịch vụ, công nghiệp, thương mại...
Thanh Tùng