Bắt đầu từ ngày 1-3, thông tư số 37 về điều chỉnh mức giá viện phí của liên Bộ Y tế - Tài chính chính thức có hiệu lực thi hành trong toàn quốc. Theo đó, khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của 1.887 dịch vụ sẽ tăng theo 2 lộ trình. Từ 1-3 mức giá dịch vụ y tế bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù và từ 1-7 mức giá dịch vụ gồm cả tiền lương. Theo cơ quan chuyên môn, tính bình quân tất cả các dịch vụ, mức giá thực hiện từ 1-3 sẽ tăng bình quân khoảng 30% so với trước đó và từ 1-7 sẽ tăng khoảng 50%. Trước mắt, việc tăng giá dịch vụ chưa áp dụng đối với người không có thẻ BHYT.
Đối với người có thẻ BHYT, mức độ tác động của việc tăng giá đến các nhóm đối tượng có khác nhau. Cụ thể, với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội (được BHYT chi trả 100%) sẽ không bị ảnh hưởng. Với những đối tượng khám chữa bệnh BHYT còn lại, sẽ bị ảnh hưởng nhưng mức độ không lớn. Ví dụ, trước đây khi viện phí chưa tính đúng, tính đủ, nhiều trang thiết bị, vật tư không được tính trong danh mục BHYT chi trả. Do đó, người bệnh phải tự mua ở bên ngoài với giá cao, chất lượng không đảm bảo nên khá tốn kém. Nay các gói dịch vụ đã được tính đủ các chi phí, đủ vật tư, người bệnh không phải tự mua ở ngoài nữa nên sẽ giảm bớt chi phí cho người bệnh…
Theo cơ quan chức năng, từ nay đến tháng 7, những người không có thẻ BHYT chưa bị ảnh hưởng bởi giá dịch vụ mới. Nhưng nếu không tham gia BHYT, thì từ tháng 7 trở đi sẽ phải chịu mức giá dịch vụ y tế tăng khoảng 50%. Vì vậy những người không có thẻ BHYT cần có ý thức tham gia BHYT để giảm bớt chi phí khi không may mắc bệnh…
Tăng viện phí để đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí, góp phần giảm bớt khó khăn cho các bệnh viện, hạn chế những tiêu cực, nhũng nhiễu trong khám chữa bệnh và nâng cao đời sống cho các y, bác sĩ là việc làm cần thiết. Song, đông đảo người dân, đặc biệt là những người có thẻ BHYT mong muốn và kỳ vọng việc tăng viện phí phải song hành với nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, công tác phục vụ, giảm thiểu các thủ tục hành chính phiền hà và thời gian chờ đợi của người bệnh…
Theo lãnh đạo một số bệnh viện thì việc tăng viện phí lần này sẽ mang lại nguồn lợi cho các bệnh viện, góp phần khắc phục cơ chế xin - cho, chuyển dần sang cơ chế tự chủ, cơ chế thị trường. Vì vậy, các bệnh viện phải nhận thức bệnh nhân là khách hàng, là “thượng đế” của mình, từ đó phải đáp ứng sự hài lòng về chuyên môn, dịch vụ cho người bệnh. Bệnh nhân sẽ là nguồn nuôi sống và mang lại thương hiệu cho bệnh viện…
Tuy nhiên, cùng với việc tăng viện phí thì hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh cũng cần phải được tăng cường, mở rộng, đầu tư hiện đại hơn và cần có cơ chế tạo thuận lợi để người dân có thể tự lựa chọn nơi khám chữa bệnh cho mình. Từ đó sẽ khắc phục sự quá tải cho nhiều bệnh viện, để tập trung cho việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường y đức cho đội ngũ thầy thuốc, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh tích cực giữa các cơ sở khám chữa bệnh…
Thanh Tùng