Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Trước khi có chỉ thị này, ngày 27-4 vừa qua, Chính phủ đã có hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm.
Vấn đề an toàn thực phẩm đang là vấn đề “nóng”, được xã hội quan tâm. An toàn thực phẩm là vấn đề ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sức khoẻ con người. Những vấn đề đặt ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Chỉ thị 13/CT-TTg.
Tại Chỉ thị 13/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND trực tiếp làm nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm của địa phương; chủ động tổ chức lực lượng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Lãnh đạo các cấp từ cấp xã đến tỉnh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với ngành hàng được phân công. Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về vi phạm an toàn thực phẩm, điều tra, xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề kinh phí cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trình phương án phù hợp theo hướng cho phép các địa phương sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm nói trên, tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Chính phủ cho phép thành lập một Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm nhanh chóng công bố kết quả để chủ động trong xử lý hành chính, hình sự. Chính phủ đã đồng ý với sự chủ động này của tỉnh Quảng Ninh. Tại Chỉ thị 13/CT-TTg, Thủ tướng đã chỉ đạo chung đối với các địa phương trong toàn quốc cần đầu tư trang thiết bị đo kiểm di động hoặc cố định tại các trung tâm thương mại, chợ nông sản lớn, hướng dẫn và giúp người dân nhận biết thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn; phát huy năng lực của các trung tâm đo kiểm tra trên địa bàn.
Tại Chỉ thị 13/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện an toàn thực phẩm. Các cơ quan báo chí tăng cường tin bài, chuyên mục, chuyên trang, chương trình về an toàn thực phẩm; thông tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về an toàn thực phẩm, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm. Các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an, Bộ đội biên phòng và các địa phương có cơ chế phù hợp (như đường dây nóng) để tiếp nhận phản ánh của nhân dân, báo chí về vi phạm an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm, kịp thời; có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Tại Chỉ thị 13/CT-TTg cũng đã đánh giá việc xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm thời gian qua là chưa nghiêm minh, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm nói trên, một lãnh đạo TP Hồ Chí Minh phát biểu đã cho rằng, để tăng cường công tác quản lý nhà nước thì không thể cứ nói tuyên truyền cho người dân, mà đầu tiên phải tuyên truyền cho cán bộ.
Để tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, cùng với những giải pháp chung thì phải chú trọng tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp thực thi lĩnh vực công tác này.
Nguyên Đan