Với những diễn biến ngày một phức tạp, tình hình dịch bệnh do vi rút Zika gây ra đã được tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp và dự báo sự lây truyền của vi rút Zika sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Tính đến thời điểm ngày 2-9-2016 đã có 72 quốc gia, vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika (số liệu do WHO công bố). Tại các nước khu vực Đông Nam Á, đã ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika như ở Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia. Đặc biệt, trong thời gian từ cuối tháng 8-2016, tại Singapore bùng phát dịch do vi rút Zika với số trường hợp mắc tăng nhanh hàng ngày.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã phối hợp với WHO, USCDC và các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá nguy cơ và nhận định trong thời gian tới nước ta có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc mới bệnh do vi rút Zika do loại vi rút này đã lưu hành trong cộng đồng. Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, thì loại muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh do vi rút Zika đang có xu hướng gia tăng trong mùa mưa nên thuận lợi cho việc truyền vi rút Zika từ muỗi sang người chưa có miễn dịch. Bên cạnh đó, còn có các nguồn truyền bệnh khác (đường tình dục, đường máu, mẹ sang con) vì vậy, nếu trong cộng đồng không áp dụng các biện pháp phòng bệnh phù hợp thì hậu quả thật khó lường.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika gây ra, Bộ Y tế đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị chỉ đạo tăng cường, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống tại địa phương; đồng thời huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể. Đáng chú ý, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh, đặc biệt là các hành khách về từ các quốc gia đang bùng phát, lưu hành dịch bệnh Zika để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, tổ chức cách ly, hướng dẫn biện pháp phòng muỗi đốt và tự theo dõi sức khoẻ để chủ động đến các cơ sở y tế khi có biểu hiện bệnh. Đặc biệt, trong dịp này, Bộ Y tế cũng đã xác định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết”.
Được biết, từ tháng 4-2016, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do vi rút Zika. Hướng dẫn này bao gồm các chỉ dẫn về dự phòng lây nhiễm vi rút Zika cho phụ nữ có thai, chăm sóc trước sinh và thái độ xử trí với các phụ nữ mang thai sống trong khu vực bị ảnh hưởng của dịch.
Với tỷ lệ từ 60% đến 80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và chưa có vắc xin phòng bệnh, nên mỗi người dân hãy thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành Y tế đồng thời chủ động đến cơ sở y tế khi thấy có những biểu hiện triệu chứng sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C; mệt mỏi; mọc ban rát sẩn trên da; đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân; viêm xung huyết kết mạc, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược… Trước thông tin dày đặc khuyến cáo về dịch bệnh do vi rút Zika gây ra hẳn là chúng ta đã nhận thức được mức độ nguy hiểm cũng như biện pháp cần thiết để phòng chống mà trong đó yếu tố cơ bản hàng đầu cần phải thực hiện tốt là vệ sinh môi trường sạch sẽ.
Ngọc Lê