Hiện tỉnh Quảng Ninh chủ động được 40% lượng thực phẩm, còn 60% lượng thực phẩm có được từ nhập khẩu, từ tỉnh ngoài.
Về cơ bản, tỉnh Quảng Ninh đã kiểm soát được thực phẩm sản xuất trong tỉnh, còn công tác quản lý lượng thực phẩm đưa vào thị trường tỉnh, hoặc vận chuyển qua địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập.
Một trong những bất cập là kinh phí hoạt động, cụ thể hơn là kinh phí kiểm nghiệm thực phẩm đã được đề cập từ nhiều năm trước. Có đơn vị, tiền chi cho kiểm nghiệm thực phẩm đã chiếm gần hết kinh phí hoạt động.
Tại cuộc họp kiểm điểm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2016 và triển khai công tác năm 2017, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận: Tỉnh sẽ chi tiền kiểm nghiệm mẫu thực phẩm của các địa phương, đơn vị. Về kinh phí sẽ được bố trí tăng hơn, 100% số tiền xử phạt hành chính về lĩnh vực này sẽ dành cho công tác kiểm nghiệm, trang bị, khen thưởng.
Nét nổi bật về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của tỉnh năm 2016 là đã hình thành được cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm tại Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm nhanh, phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như lưu thông hàng hoá trên thị trường. Cơ sở này đã được sự đồng ý quyết định của ba Bộ: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Như vậy, các lực lượng chức năng không còn “lo” trong kiểm tra, kiểm soát thực phẩm lưu thông vào tỉnh, cũng như qua tỉnh, nhất là với mặt hàng tươi sống. Trước đây, do việc kiểm nghiệm phải đưa sang TP Hải Phòng, phải chờ đợi nhiều ngày, gây khó khăn cho cả phía quản lý nhà nước và chủ hàng.
Cũng tại cuộc họp nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc trang bị xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động và giao cho Sở Y tế thực hiện.
Những quyết định trên của Chủ tịch UBND tỉnh thể hiện tính tiên phong, đi đầu của Quảng Ninh trong thực hiện các nhiệm vụ. Đó là cách làm xuất phát từ thực tiễn, tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn, đề xuất những mô hình mới phù hợp với quá trình phát triển.
Như vậy, Quảng Ninh đủ điều kiện phương tiện để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thực phẩm trên địa bàn. Do đó việc lấy mẫu kiểm nghiệm đã được tăng cường. Năm 2016 các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Y tế đã lấy 24.900 mẫu, qua kiểm nghiệm phát hiện 1.439 mẫu không đạt quy định an toàn thực phẩm (6,6%). Tất cả các mẫu không đạt này đều được yêu cầu tiêu huỷ và có biện pháp khắc phục ngay, không để lưu thông trên thị trường.
Cùng với chú trọng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thực phẩm ở khâu lưu thông, Quảng Ninh đã chủ động đảm bảo an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến. Chính vì vậy, trong năm 2016 tỉnh Quảng Ninh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn, không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở thực phẩm được quản lý, không xảy ra dịch bệnh truyền qua thực phẩm.
Nguyên Đan