Mới đây, trên mạng xã hội đã lan truyền clip ghi lại hình ảnh hai nữ sinh đang theo học tại các trường học trên địa bàn TP Hạ Long có hành vi xô xát, đánh nhau tại khu vực Cung Quy hoạch, Hội chợ, Triển lãm và Văn hóa tỉnh (phường Hồng Hải, TP Hạ Long). Đây là khu vực công cộng, đông người, là địa điểm sinh hoạt văn hóa tập trung của TP Hạ Long, do vậy hành vi đánh nhau, vi phạm đạo đức và cư xử thiếu văn hóa của hai học sinh này là điều đáng phê phán, gây phản cảm trong xã hội, nhất là nơi đây có rất nhiều du khách qua lại. Và một điều đáng nói nữa là trước hành vi sai trái này có rất nhiều học sinh đứng xem, không ai có biểu hiện can ngăn gì, thậm chí có những học sinh còn cổ vũ, khích lệ cho hai bên đánh nhau. Sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, mất tình bạn của những học sinh này cũng là điều đáng trách…
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT, các học sinh trong vụ việc hiện đang học tại Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh và Trường THCS Hồng Hải, có mâu thuẫn với nhau trên mạng xã hội facebook. Do vậy, vào khoảng 12 giờ ngày 18/9, sau khi tan học, hai học sinh này đã xô xát với nhau tại khu vực Cung Quy hoạch. Sự việc đã được một học sinh quay lại và đăng tải trên mạng xã hội…
Sau khi sự việc xảy ra, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã yêu cầu Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh, Phòng GD-ĐT TP Hạ Long triệu tập các học sinh có liên quan cùng đại diện gia đình của các học sinh này để xác minh, làm rõ vụ việc. Các trường đã yêu cầu những học sinh liên quan tường trình vụ việc, kiểm điểm việc vi phạm đạo đức học sinh, gây mất trật tự nơi công cộng và xử lý kỷ luật theo quy định. Sở GD-ĐT cũng đã yêu cầu các trường có học sinh vi phạm làm rõ sự việc, nhắc nhở và có hình thức kỷ luật đối với những học sinh có hành vi xúi giục, quay clip và đăng tải trên mạng xã hội…
Thực tế cho thấy, tình trạng học sinh xô xát, đánh chửi nhau, hỗn chiến nơi công cộng không phải là hiếm gặp trên địa bàn cả nước thời gian qua. Ở Quảng Ninh cũng đã từng xảy ra nhiều vụ việc tương tự như kể trên ở một số địa phương. Điều này cho thấy tình trạng vi phạm đạo đức, văn hóa ứng xử của một bộ phận học sinh, sinh viên là khá phổ biến và đáng lo ngại. Từ những vụ việc cụ thể này, đặt ra yêu cầu, trách nhiệm cho ngành giáo dục, các cơ sở trường học bên cạnh việc quan tâm dạy các kiến thức nền tảng, cơ bản về văn hóa, cần phải tăng cường và chú trọng hơn nữa công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên. Cùng với đó các gia đình, bậc phụ huynh cũng phải quan tâm đến việc giáo dục con cái nhiều hơn, không thể phó thác nhiệm vụ này cho nhà trường, các thầy cô giáo. Đây là đối tượng mới lớn, còn non nớt trong nhận thức, ứng xử thiếu chuẩn mực với các tình huống trong cuộc sống, dễ bị kích động, lôi kéo nên rất cần được sâu sát, quan tâm chỉ bảo cụ thể, cặn kẽ, trang bị những kiến thức, kỹ năng để có thể tự giải quyết các mâu thuẫn trong sinh hoạt, cuộc sống theo hướng tích cực, tránh sa vào những hành vi tiêu cực như đánh chửi, xúc phạm nhau…
Với các đối tượng vi phạm, tùy từng mức độ, các nhà trường có thể áp dụng các hình thức xử lý, kỷ luật phù hợp. Riêng các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần cần phải có hình thức xử lý nghiêm minh để làm bài học răn đe, giáo dục chung cho các học sinh khác…
Đặc biệt, để ngăn chặn hiệu quả những hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên thì vai trò, mối liên kết giữa nhà trường với gia đình trong phối hợp giáo dục học sinh là vô cùng quan trọng. Đặc biệt là trong việc thông tin hai chiều giữa nhà trường với gia đình và ngược lại có tác dụng rất tốt trong giáo dục, rèn luyện học sinh. Mối quan hệ này trước đây được thực hiện khá tốt, chặt chẽ nên dường như rất hiếm khi xảy ra những hành vi xô xát, bạo lực trong đối tượng học sinh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mối quan hệ này khá lỏng lẻo, thậm chí ít được quan tâm, nên dẫn đến tình trạng có trường hợp khi ở nhà nhiều bậc phụ huynh cứ nghĩ con mình là chăm ngoan, mà không biết rằng khi đến trường hay ra ngoài xã hội lại là những học sinh cá biệt, thường xuyên vi phạm các quy định, pháp luật. Thực tế này, đòi hỏi các nhà trường và gia đình học sinh phải xây dựng được mối quan hệ phối hợp chặt chẽ hơn, nhất là đối với cấp học THPT và THCS…
Thanh Tùng