Ngày 16/1 vừa qua, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh năm 2018. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo hội nghị. Đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh, thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tham dự hội nghị.
Năm 2017 được xác định là năm cực kỳ khó khăn của ngành Than, do việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều bất lợi, lượng than tồn kho lên đến hơn 10 triệu tấn. Mặc dù vậy, TKV bằng nhiều giải pháp tích cực đã từng bước vượt qua được thách thức, giữ ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập của người lao động. Doanh thu toàn Tập đoàn đạt 109,2 ngàn tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2016; lợi nhuận đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng so với năm trước; nộp ngân sách 14 ngàn tỷ đồng, lương bình quân người lao động đạt 9,8 triệu đồng/người/tháng...
Năm 2018, với mục tiêu trọng tâm là tiếp tục đổi mới công nghệ, hoàn thiện cơ chế quản lý, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, tăng cường cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa để tăng năng suất lao động, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, TKV phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 36 triệu tấn than các loại, doanh thu đạt 113,8 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách 13,6 ngàn tỷ đồng...
Chia sẻ với những khó khăn, thách thức của TKV trong năm 2017 vừa qua và biểu dương những kết quả đạt được, phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long khẳng định, Quảng Ninh và ngành Than có truyền thống gắn bó chặt chẽ, do vậy tỉnh luôn đồng hành cùng Tập đoàn trong việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để TKV đầu tư, phát triển.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu rõ, năm 2018, Quảng Ninh quyết định lựa chọn chủ đề công tác năm là “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”. Do vậy, đồng chí đề nghị các đơn vị ngành Than trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý và bảo vệ tốt môi trường sinh thái trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tài nguyên khoáng sản. Đặc biệt là việc chấm dứt hoạt động và di dời Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng theo đúng kế hoạch vào cuối năm 2018. Chú trọng thực hiện cải tạo môi trường ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi hoạt động sản xuất than và quan tâm di dời các hộ dân sinh sống trong vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt cao từ các bãi thải, khai trường, sông suối và xử lý tốt nước thải mỏ...
Chúng ta đều đã biết, hoạt động sản xuất - kinh doanh than trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm qua, bên cạnh việc đảm bảo nguồn năng lượng cho quốc gia, phục vụ phát triển của nhiều ngành kinh tế, ổn định việc làm, thu nhập cho hàng vạn công nhân, lao động, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước... thì cũng tác động và để lại nhiều hệ lụy xấu đến môi trường tự nhiên, đời sống của người dân trên địa bàn, nhất là ở các khu vực có mật độ sản xuất - kinh doanh than cao. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Quảng Ninh với mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, với việc chú trọng đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ - du lịch, thì vấn đề đảm bảo tốt môi trường tự nhiên lại càng trở nên quan trọng và có ý nghĩa hơn. Mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp với tăng trưởng dịch vụ - du lịch đã được tỉnh nhận diện rõ và đề ra các chủ trương, giải pháp để giải quyết mâu thuẫn này. Và việc Quảng Ninh quyết định lựa chọn chủ đề năm như đã nói ở trên cũng chính là hành động cụ thể để giải quyết mâu thuẫn đó, tạo sự phát triển bền vững cho các ngành, lĩnh vực khác, trong đó có dịch vụ - du lịch. Và cũng là để tăng tính hấp dẫn cho vùng đất Quảng Ninh, thực sự là nơi cần đến và nơi đáng sống...
Kỳ vọng với sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa TKV và Quảng Ninh, trong năm 2018 này và những năm tiếp theo, vấn đề bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được bước đột phá, thu được nhiều kết quả quan trọng, tạo môi trường lý tưởng cho kinh tế - xã hội phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân...
Thanh Tùng