Nếu như cả nước Việt Nam có 54 thành phần dân tộc thì trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 22 dân tộc. Mỗi dân tộc lại có những nét văn hoá là những tập tục sinh hoạt, tín ngưỡng, nghệ thuật, ca vũ, cưới xin, tang ma v.v.. mang nét đặc trưng của mình.
Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Đại hội X của Đảng về tiếp tục phát triển sâu rộng, nâng cao chất lượng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho văn hoá thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều sự quan tâm, chỉ đạo trong triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tính trong 10 năm qua (2007-2017), công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc của Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng, tỉnh nói chung.
Còn nhớ, năm 2007, từ việc đầu tư nhà văn hoá xã Đại Dực (Tiên Yên - một trong những nhà văn hoá xã quy mô nhất tỉnh khi ấy), Sở Văn hoá - Thông tin phối hợp với huyện tổ chức Lễ hội văn hoá - thể thao dân tộc Sán Chỉ. Đại Dực và Đại Thành là hai xã có đồng bào Sán Chỉ cư trú đông nhất trên địa bàn tỉnh. Lễ hội năm ấy đã thu hút sự quan tâm của rất đông người dân hai xã. Nhiều nét sinh hoạt văn hoá của đồng bào bao năm “ngủ yên” giờ được đánh thức như hát Soóng cọ (giao duyên), các trò chơi đánh quay, đi cà kheo, thi gói bánh, thổi pí lè (kèn bằng lá dứa), đánh cầu chinh (cầu kết bằng lông gà và lá dứa)... được dịp để các người dân Sán Chỉ phô diễn. Từ thành công của lần đầu tiên, lễ hội đã được nâng từ cấp xã lên cấp huyện, được duy trì hàng năm và trở thành một trong các hoạt động văn hoá tiêu biểu của huyện Tiên Yên.
Tương tự, một số lễ hội, sinh hoạt văn hoá của đồng bào các dân tộc khác cũng được phục dựng lại như lễ hội đình Lục Nà của đồng bào Tày ở xã Lục Hồn (Bình Liêu), lễ hội văn hoá - thể thao dân tộc Tày ở xã Điền Xá (Tiên Yên). Tại xã Bằng Cả (Hoành Bồ), người Dao Thanh Y ở đây từ lâu duy trì các hội làng với các tín ngưỡng cầu mùa, tục cấp sắc (“chứng chỉ” trưởng thành cho nam giới). Năm 2009, được sự quan tâm của tỉnh, công trình Khu Bảo tồn bản văn hoá người Dao Thanh Y đã được xây dựng tại xã Bằng Cả, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc tiêu biểu của đồng bào người Dao Thanh Y, xây dựng Bằng Cả thành điểm đến du lịch. Một số sinh hoạt văn hoá đặc sắc khác như Lễ hội Lồng tồng (Xuống đồng) của người Tày ở xã Thanh Lâm (Ba Chẽ), Ngày hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán xã Đồng Văn, Ngày hội hát Tháng ba của đồng bào Sán Chỉ ở xã Húc Động (Bình Liêu) cũng đã được huyện, xã quan tâm tổ chức; bổ sung các nội dung để các hoạt động ngày càng thêm phong phú. Huyện Bình Liêu còn lồng ghép các hoạt động văn hoá - thể thao của đồng bào các dân tộc trên địa bàn vào Lễ hội Hoa sở nhằm bảo tồn và cũng là quảng bá lịch sử văn hoá con người vùng đất Bình Liêu.
Năm 2003, Sở Văn hoá - Thể thao đã chủ trì tổ chức Ngày hội Văn hoá các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, giới thiệu các nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá, ẩm thực, trang phục của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ngày hội đã được định ra tổ chức 2 năm một lần, nhưng sau lần thứ 3 (2007), vì những lý do nào đó, hoạt động này đã không được duy trì. Đáng mừng là 10 năm sau, một công trình quy mô là Trung tâm Văn hoá - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc đã được xây dựng quy mô tại huyện Tiên Yên. Trong dịp đầu tháng 8 này tại đây đã diễn ra Tuần Văn hoá - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ nhất, giới thiệu không chỉ các nét đẹp văn hoá đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mà cả các tỉnh lân cận. Đây sẽ là tiền đề để Quảng Ninh quảng bá, giới thiệu các nét đẹp văn hoá về vùng đất và con người Quảng Ninh, phục vụ phát triển du lịch, nhất là sang năm 2018, Quảng Ninh sẽ đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia.
Văn hoá đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ninh là di sản vô giá, là nguồn tài nguyên du lịch để chúng ta khai thác phát huy. Do vậy, nó cần được quan tâm, bảo tồn tương xứng với các giá trị, trọng tâm.
Trần Minh