Năm 2020, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh mở trại sáng tác tại huyện Ba Chẽ và sau khi kết thúc đợt đi thực tế tại đây, nhạc sĩ Nguyễn Thành Long đã cho ra đời ca khúc "Về Ba Chẽ quê em". Ca từ trong bài hát mang âm hưởng dân gian với những hình ảnh đẹp của vùng đất Ba Chẽ được gói gọn trong đó.
"Quảng Ninh quê mình" - đó là niềm tự hào của mỗi người con Quảng Ninh khi giới thiệu với bạn bè bốn phương về nơi mình sinh ra và lớn lên. Trong ký ức mỗi người dân đất Mỏ là hình ảnh những bãi biển rộng bao la với núi Bài Thơ hiên ngang sừng sững, Hạ Long tươi đẹp, Yên Tử linh thiêng, Móng Cái, Quan Lạn, Cô Tô lãng mạn. Mỗi khi xa quê hương đất Mỏ thân yêu, nỗi lòng người con xa quê lại man mác nỗi nhớ về mảnh đất đầy tự hào, khôn nguôi mong muốn trở về.
Bài hát "Mái đình làng biển" được nhạc sĩ Nguyễn Cường viết trong một chuyến đi sáng tác tại Quảng Ninh. Trên đường ra Trà Cổ, tác giả đã được giới thiệu một thắng cảnh tuyệt đẹp hiếm có, đó là đình Trà Cổ. Ngôi đình là cột mốc văn hoá nơi địa đầu tổ quốc, từng viên gạch, miếng ngói, từng nét chạm trổ của ngôi đình đều khiến tác giả kính phục, tạo cảm xúc để ông sáng tác ca khúc trứ danh này ngay lần đầu đặt chân đến nơi đây.
Là một trong những bài hát góp mặt trong tuyển tập 60 MV ca nhạc chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, "Khúc Samba nơi rồng hạ" mang đến cho khán thính giả một bức tranh lễ hội của Quảng Ninh với màu sắc tươi đẹp cùng giai điệu sôi động, âm hưởng vô cùng hiện đại, như lời chào mời du khách đến với vịnh Hạ Long, trải nghiệm một Hạ Long đa sắc màu.
Đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô) được ví như Trường Sa của vùng biển Đông Bắc để thấy được sự tự hào cũng như nỗi vất vả, gian nan của những chiến sĩ nơi hòn đảo tiền tiêu trọng yếu này. Vượt qua tất cả, các chiến sĩ vẫn chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Từ cảm hứng đó, ca khúc "Lính đảo Trần" đã ra đời.
Ca khúc "Từ Hạ Long mơ về Thăng Long" do nhạc sĩ Lê Đăng Vệ sáng tác với nhịp điệu nhẹ nhàng, bay bổng kết hợp cùng giọng hát đầy truyền cảm của NSƯT Hoàng Tùng đã thể hiện tình yêu quê hương đất nước của những người con vùng than và biển.
Với nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm, cây cầu Bãi Cháy như một cây đàn với những sợi dây văng luôn căng như dây đàn sẵn sàng phát ra những thanh âm của cuộc sống. Từ những suy tưởng độc đáo đó, nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc "Cây đàn Hạ Long".
Những ca từ trong bài hát "Hương rừng Bình Liêu" đưa ta về với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn vàng óng, những câu hát giao duyên say đắm lòng người, những cánh rừng hồi rừng quế thơm ngát, những thác nước tự nhiên hùng vĩ. Một bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình say lòng du khách.
"Bài thơ thành phố Hạ Long" là một ca khúc trẻ trung, sôi động gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Xuân Nhật. Ca khúc ra đời cũng đã lâu, được thể hiện bởi nhiều giọng ca của vùng Mỏ trên các sân khấu âm nhạc. Với nhịp sống sôi động của TP trẻ Hạ Long, ca khúc được hòa âm phối khí lại với phong cách hiện đại hơn, mang đến màu sắc tươi tắn cho người yêu nhạc.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường là cái tên không còn xa lạ với khán thính giả cả nước. Trong hơn 40 năm sự nghiệp, mặc dù phần lớn ca khúc của Nhạc sĩ Nguyễn Cường đều mang hơi thở của núi rừng Tây Nguyên. Nhưng ông luôn chứng tỏ khả năng sáng tác đa dạng của mình với sự thành công của các ca khúc lấy chất liệu quan họ, ca trù, trữ tình của miền đồng bằng. Minh chứng cho điều này chính là ca khúc “Tôi về đây nghe sóng” - một trong những ca khúc Nhạc sĩ Nguyễn Cường viết về Hạ Long, Quảng Ninh.
Ca khúc "Tình ca Thợ mỏ" được nhạc sĩ Hoàng Vân viết khi về thực tế tại Quảng Ninh năm 1982, những năm tháng của biết bao khó khăn gian khổ. Những âm hưởng của bài hát như khúc quân hành của người thợ mỏ vang mãi, xa và sâu thẳm, da diết chạm tới trái tim mỗi người dân Quảng Ninh.
Trong những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều nhạc sĩ đã đến với Quảng Ninh với cảm hứng sáng tạo nghệ thuật đã để lại những tác phẩm tuyệt vời, trong đó có bài "Trái tim đỏ trên đất mỏ Vàng Danh" của nhạc sĩ Chu Minh. Bài hát đã trở thành bài truyền thống của mỏ than Vàng Danh, bài hát mang nhiệt huyết, khí thế lao động của thợ mỏ nơi đây.
Trong chuyến đi thực tế tại Quảng Ninh, nhạc sĩ Xuân Giao đã cho ra đời những ca khúc hay, được đông đảo nhân dân Vùng mỏ đón nhận, nổi bật trong số đó là ca khúc "Bình minh Hạ Long".
Ca khúc "Tiên Yên" đã thể hiện vẻ đẹp của mảnh đất và con người nơi đây, cùng những gửi gắm tình yêu nơi tác giả Vũ Mão có nhiều thời gian gắn bó qua những giai điệu trữ tình, những ca từ gần gũi như một lời tự sự.
Nhịp sống vùng than, nhịp sống công nghiệp sôi động hào hùng nhưng cũng không thiếu vẻ đẹp lãng mạn được thể hiện trong các ca khúc đã gắn bó đi cùng năm tháng với biết bao thế hệ người Vùng mỏ từ khoảng những năm 60 của thế kỷ trước. Những giai điệu sâu lắng, những khoảnh khắc đẹp như mơ, ta tìm thấy tất cả điều đó trong ca khúc "Những ngôi sao ca đêm" của nhạc sĩ Phạm Tuyên qua sự thể hiện của NSUT Hoàng Tùng, ca sĩ Tuấn Anh, Hoàng Thái.