Tuần lễ Truyền thông toàn cầu lần thứ ba về kháng thuốc (diễn ra từ ngày 13 đến 19/11), do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp tổ chức, vừa được phát động tại tỉnh Vĩnh Phúc. Mục tiêu của Tuần lễ là nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn từ tất cả các cấp, các ngành để sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm, chấm dứt tình trạng lạm dụng và sử dụng thuốc kháng sinh không đúng, phòng chống kháng thuốc...
Tại lễ phát động,Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Trưởng BCĐ quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam nhấn mạnh: Chúng ta phải vận động cộng đồng và đảm bảo rằng mọi người đều biết cách sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm. Mỗi nhà quản lý, nông dân, bác sỹ, bệnh nhân và người tiêu dùng phải hành động để chấm dứt sự gia tăng của nguy cơ kháng thuốc trong cộng đồng...
Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng cũng đã có nhiều nỗ lực thể hiện cam kết đa ngành và hành động ở tất cả các cấp chính quyền nhằm chống tình trạng kháng thuốc. Đặc biệt, tháng 9 vừa qua, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương thảo luận về những thành công và thách thức của Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020. Và cuối tháng 10 mới đây, một nhóm công tác giám sát kháng thuốc được thành lập để tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan trong hoạt động giám sát kháng kháng sinh đối với sức khỏe con người và động vật, cộng đồng và môi trường. Cũng trong năm 2017 này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020...
Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác chống lạm dụng thuốc kháng sinh trong chữa bệnh cho con người và trong sản xuất, chăn nuôi, nhưng kết quả đạt được vẫn còn rất hạn chế, chưa có sự chuyển biến mạnh trong nhận thức và hành động của người dân, trong đó có cả một bộ phận cán bộ, nhân viên, y, bác sỹ ngành y tế. Việc mua thuốc kháng sinh trên thị trường còn quá dễ dãi, không cần phải có đơn thuốc của bác sĩ và nhiều khi người bán thuốc kiêm luôn vai trò của bác sĩ trong chẩn đoán bệnh và kê đơn thuốc cho người dân. Còn trong chăn nuôi, do chạy theo lợi nhuận trước mắt, không ý thức được tác hại, hệ lụy của tình trạng dư thừa thuốc kháng sinh trong sản phẩm, nên tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh của các chủ nuôi cũng khá phổ biến. Hậu quả là nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu đã bị đối tác nước ngoài trả về do dư lượng thuốc kháng sinh vượt quá mức cho phép...
Sự tùy tiện, lạm dụng, kê đơn thuốc và sử dụng thuốc kháng sinh thiếu trách nhiệm cả trên thế giới và trong nước đã và đang làm cho tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng nghiêm trọng. Trong đó có những vi khuẩn đã kháng với nhiều loại thuốc. Như vậy, nếu không hành động, ngăn chặn kịp thời tình trạng kháng thuốc thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ bất lực trước nhiều căn bệnh...
Thực tế cho thấy, trên thế giới nhiều bệnh nhiễm khuẩn thông thường đang ngày càng trở nên kháng với các loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị các bệnh đó. Việc này dẫn đến tình trạng bệnh kéo dài hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Việt Nam là một trong những nước trong những năm gần đây đã chứng kiến mối đe dọa ngày càng lớn của tình trạng kháng kháng sinh do việc sử dụng quá mức và sử dụng không hợp lý ở tất cả các cấp của hệ thống chăm sóc y tế, trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và trong cộng đồng...
Vì vậy, đã đến lúc cần phải sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm hơn, chấm dứt ngay tình trạng lạm dụng kháng sinh và sử dụng thuốc kháng sinh không đúng. Chỉ có như vậy chúng ta mới bảo vệ được sức khỏe một cách bền vững, công tác khám chữa bệnh mới đạt được hiệu quả cao cũng như thúc đẩy được sản xuấ t- kinh doanh, chăn nuôi phát triển...
Thanh Tùng