Quảng Ninh là địa phương luôn tiên phong trong bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy lối sống thân thiện với thiên nhiên, nhằm tạo nền tảng vững chắc để vươn mình mạnh mẽ trong hành trình phát triển xanh, bền vững. Cùng với các giải pháp của tỉnh, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, việc xây dựng lối sống xanh từ những hành động nhỏ, giản dị, thiết thực trong cuộc sống hằng ngày của mỗi cá nhân cũng chính là yếu tố quan trọng góp phần gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hướng tới xây dựng một Quảng Ninh xanh, sạch, đẹp, đáng sống, hiện đại và văn minh.
Từ ý thức bảo vệ sức khỏe
Trong những năm gần đây, phong trào chạy bộ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng, trở thành xu hướng rèn luyện thể thao tích cực được nhiều người lựa chọn. Không chỉ đơn thuần là môn thể thao nâng cao sức khỏe hay thỏa mãn đam mê vận động, chạy bộ còn mang trong mình thông điệp ý nghĩa về lối sống xanh, thân thiện với môi trường.
Tại Quảng Ninh, các giải chạy marathon tổ chức trên những cung đường tuyệt đẹp ở Hạ Long, Yên Tử (Uông Bí), Cô Tô… đã thu hút hàng nghìn người dân, du khách tham gia không chỉ để trải nghiệm, mà còn để lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, kêu gọi cộng đồng hành động vì một hành tinh xanh.

Gia đình chị Vũ Thị Thùy Dung, phường Hồng Hải (TP Hạ Long), đã cùng nhau duy trì thói quen chạy bộ thể dục hằng ngày và rất hào hứng tham gia các giải marathon do tỉnh, thành phố tổ chức. Chị Thùy Dung chia sẻ: Giữa nhịp sống hiện đại bận rộn, chạy bộ là hình thức rèn luyện đơn giản, không đòi hỏi thiết bị cầu kỳ, lại có thể kết hợp giữa vận động, thư giãn tinh thần và gắn kết tình cảm gia đình, bạn bè. Đặc biệt, với việc lựa chọn không dùng phương tiện cơ giới, hòa mình vào thiên nhiên, hoặc kết hợp tham gia nhặt rác, làm sạch cung đường chạy thì chạy bộ hoàn toàn có thể được xem là một hình thức sống xanh tích cực, góp phần nhỏ nhưng thiết thực vào việc bảo vệ môi trường sống.
Bên cạnh việc rèn luyện thể thao, ngày càng có nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, chủ động thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày để hướng tới một lối sống xanh, lành mạnh và bền vững hơn. Trong đó, xu hướng ăn chay đang dần trở thành lựa chọn phổ biến, không chỉ xuất phát từ nhu cầu giữ gìn sức khỏe, làm đẹp hay duy trì vóc dáng cân đối, mà còn là sự thể hiện ý thức rõ ràng đối với môi trường sống.
Nhiều bạn trẻ tại Quảng Ninh đang lựa chọn chế độ ăn chay với các tiêu chí xanh - sạch - lành, ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc thực vật, hữu cơ, không sử dụng hóa chất, chế biến tối giản và hạn chế rác thải nhựa trong quá trình bảo quản, tiêu dùng. Không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe, ăn chay còn được xem là một giải pháp thiết thực và dễ thực hiện để bảo vệ môi trường. Việc giảm tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ động vật góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của ngành chăn nuôi đối với môi trường, các tài nguyên đất và nước.

Gần gũi hơn, hiện nay, nhiều người trẻ lựa chọn mang theo bên mình những chiếc bình nước cá nhân, ống hút kim loại, ống hút tre để sử dụng mọi lúc mọi nơi thay vì sử dụng các loại chai, cốc nhựa một lần. Hay sử dụng các loại túi vải để đựng đồ dùng đi học, đi chơi vừa thân thiện với môi trường vừa có thiết kế, họa tiết độc đáo, bắt mắt thể hiện cá tính riêng của mỗi người. Như vậy, bằng cách thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày, mỗi người không chỉ đang chăm sóc chính cơ thể mình, mà còn đang góp phần tích cực vào việc giảm áp lực lên môi trường tự nhiên, dần tạo nên một xu hướng sống xanh lan tỏa trong cộng đồng.
Bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp
Có thể thấy, lối sống xanh hiện nay không chỉ dừng lại ở việc thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày, mà đã và đang dần trở thành một nét văn hóa ứng xử đẹp, một phong cách sống hiện đại, văn minh trong cộng đồng. Văn hóa đó bắt nguồn từ tình yêu thiên nhiên, sự trân trọng đối với các nguồn tài nguyên quý giá, và hơn hết là từ niềm tự hào về quê hương Quảng Ninh, nơi sở hữu di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, nơi có rừng, có biển, có bề dày văn hóa gắn liền với thiên nhiên và con người. Chính vì vậy, các chương trình phát động chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên vịnh Hạ Long hay đảo ngọc Cô Tô luôn nhận được sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ của người dân và du khách.

Tại huyện Cô Tô, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường đã trở thành chiến lược xuyên suốt. Theo ông Đỗ Huy Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, địa phương đang định hướng xây dựng mô hình du lịch xanh, thân thiện và hội nhập. Trong đó, huyện đang đẩy mạnh đưa vào hoạt động các tuyến tham quan bằng xe điện, các tour đạp xe ven biển, không gian du lịch “check-in không rác thải nhựa” nhằm tạo trải nghiệm kết nối với thiên nhiên cho du khách. Đồng thời, các cơ sở lưu trú, nhà hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch trên đảo đều được khuyến khích, cam kết tham gia chương trình “Du lịch không nhựa dùng một lần”. Những nỗ lực này đang góp phần xây dựng hình ảnh một Cô Tô sạch - đẹp - văn minh, là điểm đến lý tưởng của du lịch xanh trong tương lai.

Hưởng ứng lối sống xanh lành mạnh, người dân Quảng Ninh đã và đang thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng với mong muốn làm cho nơi mình sinh sống trở nên tốt đẹp hơn. Đó là hình ảnh của rất đông đoàn viên thanh niên định kỳ ra quân tham gia chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, “Ngày Chủ nhật xanh” từ thành phố thủ phủ Hạ Long đến thành phố nơi địa đầu Tổ quốc Móng Cái. Đó là hình ảnh của nhóm “Vì một Hạ Long xanh” gồm các bạn trẻ, các gia đình, các em thiếu nhi tình nguyện tham gia thu gom túi nilon, chai, lọ, vỏ hộp nhựa... vứt bừa bãi tại công viên Hạ Long (TP Hạ Long) và tiến hành phân loại rác theo quy định vào chiều thứ 7 hàng tuần. Đó là những mô hình “ngôi nhà của pin” nhằm thu gom pin đã qua sử dụng để xử lý đúng quy định được triển khai rộng rãi tại nhiều trường học, khu dân cư. Đó là các tổ, chi hội phụ nữ tích cực tham gia mô hình “Biến rác thành tiền”, phân loại rác thải tại nguồn…
Bà Nguyễn Thanh Hương, khu 6, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long), chia sẻ: Vừa qua, khu phố chúng tôi đã triển khai mô hình “ngôi nhà xanh” là những thùng chứa rác tái chế được thiết kế đẹp mắt, đặt tại các vị trí thuận tiện để người dân có thể mang vỏ chai nhựa, hộp giấy, lon nước… đến bỏ vào. Điều đáng mừng là chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, người dân trong khu phố đã hưởng ứng rất tích cực. Không chỉ dừng lại ở việc thu gom rác tái chế, mô hình này còn góp phần thay đổi nhận thức, khuyến khích mọi người phân loại rác ngay tại gia đình, giảm lượng rác thải khó xử lý ra môi trường đặc biệt còn tạo nguồn quỹ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại khu phố. Qua đó, góp phần hình thành nét đẹp văn hóa trong nếp sống đô thị văn minh, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người dân với cộng đồng và môi trường.

Không quá khó để theo đuổi lối sống xanh. Đó đơn giản chỉ là thay đổi những thói quen cá nhân hàng ngày một cách lành mạnh hơn mà mỗi người hoàn toàn có thể hành động ngay, vì một lối sống tích cực cho môi trường và cho chính tương lai của chúng ta. Tuy nhiên, để sống xanh không phải là một trào lưu mà là sự lựa chọn sống tích cực, bền vững, mỗi người chúng ta cần bắt đầu và duy trì những thói quen tốt, cùng nhau khơi gợi, lan tỏa đến những người xung quanh, từ đó tạo ra một cuộc sống chất lượng cho chính bản thân và cộng đồng.