21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2351283
722821
Siết chặt chẳng thừa
siet-chat-chang-thua
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Siết chặt chẳng thừa

Trung tuần tháng 6 vừa qua, 1 doanh nghiệp tại Cần Thơ là Công ty CP Giáo dục ứng dụng EPAC nhận tổ chức du lịch Thái Lan cho đoàn 17 người với thời gian 4 ngày. Nhưng khi đến Thái Lan, đoàn không được sắp xếp chỗ ăn, ở và đưa đón.

Trung tuần tháng 6 vừa qua, 1 doanh nghiệp tại Cần Thơ là Công ty CP Giáo dục ứng dụng EPAC nhận tổ chức du lịch Thái Lan cho đoàn 17 người với thời gian 4 ngày. Nhưng khi đến Thái Lan, đoàn không được sắp xếp chỗ ăn, ở và đưa đón. Hướng dẫn viên của Công ty EPAC không biết ngoại ngữ nên việc giao tiếp đều phải nhờ khách trong đoàn. Sau đó, hướng dẫn viên và trưởng đoàn đã bị cảnh sát Thái Lan bắt tạm giam, do có hành vi “tổ chức đưa người sang du lịch trái phép”. Đoàn khách sau đó phải tự lo ăn ở, đi lại cho đến khi được cảnh sát Thái Lan hỗ trợ về nước. Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Cần Thơ đã kiểm tra, phát hiện Công ty EPAC không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng vẫn tổ chức đưa khách sang Thái Lan và sử dụng hướng dẫn viên theo đoàn nhưng không có thẻ hướng dẫn viên quốc tế. Ngay sau đó, Công ty EPAC đã bị buộc chấm dứt hoạt động kinh doanh lữ hành trái phép và phải bồi thường 100% chi phí tour cho khách.

Câu chuyện trên cho thấy những vi phạm kinh doanh dịch vụ lữ hành dễ xảy ra ở bất cứ đâu, nếu cơ quan chức năng không quản lý chặt chẽ.

Tại Quảng Ninh, sau những đợt ra quân chấn chỉnh những vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại các địa phương dịp tháng 4 và tháng 5 vừa qua, môi trường kinh doanh du lịch lữ hành, bán hàng cho du khách đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, như tại cuộc họp của Uỷ ban Nhân dân tỉnh ngày 4-7 vừa qua, theo báo cáo của Sở Du lịch, những tồn tại của hoạt động kinh doanh lữ hành trước đây đã cơ bản loại bỏ thì từ cuối tháng 6 tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá tour, một số cửa hàng “chỉ phục vụ khách Trung Quốc”... trong hoạt động kinh doanh du lịch lữ hành đón khách Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái có dấu hiệu tái phát trở lại, gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh du lịch của Quảng Ninh và ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch.

Ngày 22-6-2017, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản số 4525/UBND yêu cầu các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động bán hàng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khi xem xét các điều kiện để cấp phép hoạt động, cấp phép kinh doanh, công nhận điểm mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Sở Du lịch chịu trách nhiệm chấn chỉnh, xử lý nghiêm các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên vi phạm.

Có ý kiến cho rằng, nếu các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo trên của Uỷ ban Nhân dân tỉnh thì những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch lữ hành, cửa hàng “đen” bán hàng cho du khách hết “đất sống”, bởi lẽ văn bản quy rõ trách nhiệm “Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện đối với hoạt động dịch vụ du lịch và hoạt động của các cơ sở bán hàng, đơn vị lữ hành phục vụ khách du lịch trên địa bàn”, cùng với đó là kiểm soát các giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thuế, quản lý tài khoản, ngoại hối, thanh toán... cũng được phân định rõ trách nhiệm cho từng sở, ngành.

Siết chặt chẳng phải thừa. Ngày 30-6 vừa qua, thành phố Hạ Long cũng đã họp, có văn bản đề nghị các sở, ngành phối hợp; yêu cầu các phòng, ban, phường, xã tăng cường quản lý hoạt động lữ hành và hoạt động của các cơ sở bán hàng phục vụ khách du lịch trên địa bàn.  Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo của tỉnh, vào cuộc trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục được ổn định. Qua đó, góp phần để hình ảnh du lịch Quảng Ninh sẽ ngày càng đẹp hơn, an toàn hơn trong mắt du khách trong nước và quốc tế.

Trần Minh
 

Cùng chuyên mục