Sẽ có 5 hình thức kỷ luật đối với công chức khi vi phạm quy định của pháp luật trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo Luật gồm 7 Chương, 52 Điều (giảm 35 Điều so với Luật hiện hành).
Trong đó, dự thảo Luật dành hẳn 1 chương để quy định về khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
Theo đó, cán bộ, công chức có thành tích trong công vụ thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
Cán bộ, công chức có thành tích xuất sắc trong công vụ được khen thưởng đột xuất hoặc khen thưởng công trạng thì được nâng lương trước thời hạn, được hưởng tiền thưởng từ quỹ tiền thưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, được ưu tiên khi xem xét bổ nhiệm chức vụ cao hơn nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu theo quy định của cấp có thẩm quyền và của Chính phủ.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định rõ các hình thức kỷ luật đối với cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức (đối với cán bộ được phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh); Bãi nhiệm (đối với cán bộ được bầu giữ chức vụ, chức danh).
Đối với cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm;
Trường hợp bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị bãi nhiệm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Dự thảo Luật cũng quy định rất rõ các hình thức kỷ luật đối với công chức khi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương (đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý); Cách chức (đối với công chức lãnh đạo, quản lý); Buộc thôi việc.
Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật;
Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.
Chính phủ quy định chi tiết nguyên tắc xử lý kỷ luật; việc áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng với các hành vi vi phạm; thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức.