21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2329363
684989
Sẻ chia, cần một tấm lòng...
se-chia-can-mot-tam-long
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Sẻ chia, cần một tấm lòng...

Tết trong văn hoá truyền thống của người Việt là sum vầy, vui tươi, đầm ấm. Tuy nhiên, không phải với ai cũng có được những niềm vui, hạnh phúc ấy.

Tết trong văn hoá truyền thống của người Việt là sum vầy, vui tươi, đầm ấm. Tuy nhiên, không phải với ai cũng có được những niềm vui, hạnh phúc ấy. Đó chính là người nghèo. Ngày tết, người giàu có, kinh tế khá giả thì chỉ lo sắm sửa đủ thứ hay tết này chơi gì, ở đâu. Người nghèo thì ước mong nhỏ nhoi có mâm cơm cúng gia tiên tử tế, có tiền mua cho con chiếc áo mới hay lớn hơn là sửa sang, có mái nhà khỏi dột để thờ gia tiên. Bao đời nay, cái thái cực ấy vẫn thế và cũng đáng mừng là bao đời nay, đạo lý truyền thống của người Việt “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” vẫn được tiếp nối, duy trì như một giá trị văn hoá vĩnh cửu. Sẻ chia với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là vào dịp tết đến xuân về đã lan toả khắp nơi, là trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, tổ chức, đoàn thể chính trị và nhất là nó đã được sự cộng hưởng của biết bao tấm lòng thiện nguyện.

Sinh thời, mỗi khi tết đến, Bác Hồ rất quan tâm đến người nghèo. Chuyện rằng, đêm 30 tết Bính Tuất (năm 1946) - Tết độc lập đầu tiên, Bác Hồ đã đến thăm một gia đình nghèo đạp xích lô ở Hà Nội. Chứng kiến gia cảnh mà lòng Bác xót xa, lòng buồn day dứt. Tối 30 tết xuân Canh Tý (năm 1960), Bác đến thăm gia đình mẹ con chị Tín, một lao động nghèo gánh nước thuê ở phố Hàng Chĩnh (Hà Nội). Thấy chị Tín sắp giao thừa còn phải đi gánh nước thuê lấy tiền mai đong gạo cho con, bàn thờ gia tiên nguội lạnh, Người đã rưng rưng nước mắt. Kế thừa tư tưởng của Bác, ngày 20-12-2016, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về việc tổ chức tết năm 2017. Trong đó yêu cầu các địa phương trong cả nước không bắn pháo hoa trong dịp tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách.

Cùng ngày Ban Bí thư ra Chỉ thị 11-CT/TW, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã phê duyệt kế hoạch thăm, tặng quà Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Theo đó, trên 12.000 hộ nghèo toàn tỉnh tết này sẽ được nhận mức quà 200.000 đồng/suất, tương đương trên 2,4 tỷ đồng được trích từ nguồn ngân sách tỉnh. Giá trị vật chất của suất quà tết không lớn nhưng sự chăm lo này thể hiện sự quan tâm của tỉnh, góp phần động viên người nghèo, chung tay cùng người nghèo đón tết vui vẻ, đầm ấm. Ngoài ra, các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ cũng đã có kế hoạch vận động, quyên góp ủng hộ quà tết cùng nhiều phần quà tết ý nghĩa chuyển đến các hộ nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng xa, biên giới.

Đáng mừng là bên cạnh sự quan tâm của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội, hoạt động chung tay chăm lo tết cho người nghèo ngày càng nhận được sự chia sẻ, vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhất là các câu lạc bộ, nhóm thiện nguyện. Ngay từ trước tết cả chục ngày, các hoạt động tặng quà, gây quỹ hỗ trợ người nghèo đón tết đã được triển khai rải rác tại các địa phương. Đặc biệt, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã có kế hoạch tiếp nhận 1.000 suất quà tết, trị giá 500.000 đồng/suất (tổng cộng 500 triệu đồng), từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) để chuyển đến các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực du lịch, hai tết gần đây (và năm nay duy trì), một số khách sạn, nhà hàng trên địa bàn TP Hạ Long đã tổ chức gói bánh chưng “Ấm no ngày tết” với sự tham gia của du khách quốc tế, sau đó chuyển toàn bộ bánh chưng kèm phần quà tặng người nghèo. Hoạt động này khiến du khách quốc tế rất thú vị và thêm dịp hiểu đạo lý văn hoá truyền thống quý báu “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam.

Tết con gà sắp về. Chung tay chăm lo tết cho người nghèo là việc làm ý nghĩa, thiết thực, vì thế cần một tấm lòng...

Trần Minh

Cùng chuyên mục