Ngành Giáo dục khẳng định, việc sáp nhập tỉnh và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã/phường không ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.
Đẩy tuyển sinh lên sớm
Đại diện Phòng GD&ĐT quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết, từ 1/6, ngay sau khi bế giảng năm học 2024 - 2025, các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận bắt đầu công tác tuyển sinh đầu cấp, sớm hơn những năm trước. Các trường thực hiện tuyển sinh đúng tuyến, học sinh cư trú tại địa bàn tuyển sinh phường nào thì học tại trường của phường đó. Tuyển sinh theo danh sách học sinh thuộc địa bàn tuyển sinh, căn cứ vào số liệu, điều tra phổ cập do UBND phường ban hành và tra cứu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do địa phương và công an cung cấp.

Ngoài ra, với một số trường tiểu học nằm trong diện ít nguồn tuyển do trên địa bàn phường có 2-3 trường cùng bậc học như Lê Lai, Phan Thanh (quận Hải Châu), có thể xây dựng phương án tuyển sinh học sinh ở các khu vực lân cận có nhu cầu vào học tại trường. Những học sinh diện tuyển mở rộng của Trường Tiểu học Phan Thanh sẽ được tuyển vào THCS Trưng Vương khi hoàn thành chương trình tiểu học. Tương tự, trường hợp học sinh diện tuyển mở rộng vào Trường Tiểu học Lê Lai, lên lớp 6 được tuyển vào Trường THCS Nguyễn Huệ. Thời gian cao điểm tuyển sinh đầu cấp của các trường học thuộc quận Hải Châu từ ngày 1 đến 20/6. Tương tự, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cũng đẩy sớm thời gian làm thủ tục tuyển sinh đầu cấp và tiến hành tuyển sinh lớp 1 đến 6 trong suốt tháng 6.

Trước đây, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê) tiếp nhận một phần học sinh phường An Khê. Tuy nhiên, năm 2025, do số lượng phòng học không đáp ứng được nên học sinh lớp 6 phường An Khê sẽ học đúng tuyến tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu.
Ngành giáo dục khẳng định quyền lợi của học sinh, kế hoạch tuyển sinh được đảm bảo khi thực hiện sáp nhập xã/phường đến cấp tỉnh
Còn tại Hà Nội, hiện có 526 xã, phường và sau khi sắp xếp, số lượng xã, phường chỉ còn hơn 100. Dù việc sáp nhập đang diễn ra nhưng để đảm bảo ổn định tuyển sinh đầu cấp, ngành giáo dục đã đề nghị điều tra chính xác số trẻ ở từng độ tuổi trên địa bàn, phân tuyến và giao chỉ tiêu hợp lí. Theo kế hoạch, việc tuyển sinh đầu cấp sẽ diễn ra vào tháng 7 tới nhưng các trường được yêu cầu thông báo sớm hơn về kế hoạch tuyển sinh để các phụ huynh yên tâm chuẩn bị các điều kiện nhập học cho con em mình.
Từ tháng 7, cả nước không còn đơn vị hành chính cấp huyện. Đây là thay đổi lớn về mô hình quản lí Nhà nước, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Nhiều phụ huynh lo ngại giải thể phòng GD&ĐT có thể gây ảnh hưởng đến các khâu như xét tốt nghiệp THCS, tuyển sinh lớp 10. Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT, các nhà trường, quyền lợi của học sinh được đảm bảo, không bị gián đoạn trong giai đoạn chuyển tiếp này. Ông Phạm Khương Duy - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, khẳng định, việc bỏ cấp huyện không ảnh hưởng đến học sinh vì ngành giáo dục đã chuẩn bị về hệ thống dữ liệu, nhân lực và quy trình từ sớm. Tất cả nhằm đảm bảo xét tốt nghiệp và tuyển sinh thực hiện đúng tiến độ, quy chế. Hiện, dữ liệu học sinh Vĩnh Phúc được đồng bộ hóa trên hệ thống SMAS, đảm bảo các trường có thể hoàn thiện hồ sơ, lập hội đồng xét duyệt và gửi về đơn vị được giao.
Đối với việc tuyển sinh đại học, một giáo viên đến từ Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc) bày tỏ băn khoăn trong trường hợp 2 hoặc 3 tỉnh sáp nhập với nhau và mất đi một trường THPT chuyên thì học sinh trường chuyên có cơ hội được ưu tiên xét tuyển như những năm trước? Giải đáp về băn khoăn này, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, không riêng với đối tượng học sinh trường chuyên, khi xây dựng phương án để tham mưu với lãnh đạo Bộ, Vụ Giáo dục Đại học cùng Cục Quản lí chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã đặt ra vấn đề sáp nhập, đặc biệt là việc tái cấu trúc lại mô hình quản lí tại các địa phương. Ông Dũng khẳng định, đến thời điểm này, đối với tuyển sinh đại học, toàn bộ các điểm ưu tiên khu vực, đối tượng và các phương án ưu tiên, đang áp dụng như những năm trước.
Đảm bảo quyền lợi của người học
Để đảm bảo cho hoạt động giáo dục và đào tạo thông suốt, không ảnh hưởng đến quyền lợi người học, đầu tháng 4, Bộ GD&ĐT đã có Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Bộ GD&ĐT đề nghị thực hiện nội dung quản lí nhà nước về giáo dục đối với chuyên môn của ngành; tuyển dụng, sắp xếp, điều động, biệt phái, phát triển đội ngũ nhà giáo do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thực hiện thống nhất để điều tiết chung, xử lí thừa thiếu giáo viên cục bộ. Cùng đó, các địa phương giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lí nhà nước về giáo dục đối với các trường mầm non, tiểu học và THCS.
Trong tháng 5 và tháng 6, cấp huyện vẫn còn hiệu lực hoạt động, do đó việc xét hoàn thành chương trình tiểu học và xét tốt nghiệp THCS sẽ hoàn thành trước 30/6 nên không ảnh hưởng đến quyền lợi học sinh. Bằng tốt nghiệp THCS do trưởng phòng giáo dục cấp. Do đó, cần thực hiện sớm các bước xét tốt nghiệp, phê duyệt danh sách công nhận tốt nghiệp. Sở GD&ĐT in bằng để kịp cho phòng giáo dục các quận, huyện hoàn thành kí và cấp trước 30/6, thuận lợi cho học sinh khi tuyển sinh THPT và giáo dục nghề nghiệp.
Trong bối cảnh bỏ cấp huyện, sáp nhập xã, việc phân tuyến tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 sẽ thuận lợi hơn và có thể hoàn thành trước 30/6. Cho đến nay các tỉnh, thành phố đã ban hành hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm học 2025 - 2026. Nhiều địa phương thực hiện việc đăng kí tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến có kết hợp với hệ thống thông tin địa lí (GIS). Điều này mang lại nhiều thuận lợi cho phụ huynh, học sinh và nhà trường. Đồng thời, mọi thông tin về tuyển sinh đều công khai cho người dân, làm cho công tác tuyển sinh nhanh chóng, khoa học, minh bạch, giảm các hiện tượng tiêu cực.
Việc thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong thời gian 26 - 27/6, do đó công tác tổ chức thi, giao bài cho hội đồng chấm sẽ hoàn thành trong tháng 6. Tháng 7 tiến hành chấm thi. Như vậy, hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh đại học và cao đẳng của thí sinh.
Một vấn đề khác đặt ra sau sáp nhập là việc chuyển giao quản lí các trường mầm non, tiểu học và THCS về cấp xã, phường và một xã, phường có thể đảm đương cùng lúc nhiều trường học hơn trước. Điều này đặt ra thách thức trong việc tổ chức lại hệ thống giáo dục, đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Tại xã Lũng Thầu, huyện Đồng Văn (Hà Giang), sau khi sáp nhập với các xã lân cận như Phố Bảng, Phố Cáo, các trường học trên địa bàn vẫn cơ bản giữ nguyên mô hình tổ chức như trước. Ông Dương Văn Nghị, Chủ tịch xã Lũng Thầu cho biết, một hiệu trưởng kiêm nhiệm quản lí nhiều điểm trường đã được thực hiện tại địa phương sau sáp nhập. Tuy nhiên, địa bàn rộng hơn, đòi hỏi các phương án tổ chức chặt chẽ, kế hoạch chi tiết nhằm đảm bảo chất lượng dạy học không bị ảnh hưởng. Theo ông Nghị, chính việc giữ ổn định trường lớp giúp cho hoạt động giáo dục ở vùng cao không bị ảnh hưởng tiêu cực sau sáp nhập.
SGK môn nào sẽ bị ảnh hưởng?
Ghi nhận cho thấy, trong chương trình giáo dục 2018, sau khi sáp nhập tỉnh, thành, môn Nội dung giáo dục địa phương sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp đến các môn Khoa học xã hội cũng bị ảnh hưởng. Vì thế, nếu không thực hiện điều chỉnh, bổ sung sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của học trò vì mỗi vòng đời sách giáo khoa thường được áp dụng hàng chục năm trời - tương ứng với các thế hệ học trò qua mỗi năm học.
Cụ thể, những môn học ảnh hưởng nhiều khi sáp nhập tỉnh, như: Nội dung giáo dục địa phương; Ngữ văn; Lịch sử; Địa lí (cấp THCS và THPT); cấp tiểu học cũng có một số môn học ảnh hưởng, như: Tiếng Việt; Lịch sử và Địa lí; Tự nhiên và Xã hội. Đối với môn Nội dung giáo dục địa phương thì 11 tỉnh, thành không bị ảnh hưởng khi sáp nhập sẽ không phải thay đổi. Nhưng 52 tỉnh, thành chịu tác động của việc sáp nhập thì có thể phải thay đổi mới phù hợp với thực tế.
Bởi lẽ, môn Nội dung giáo dục địa phương được kết hợp giữa 6 phân môn khác nhau: Ngữ văn; Lịch sử; Địa lí; Giáo dục công dân; Âm nhạc, Mĩ thuật và sách giáo khoa môn học này do các sở giáo dục và đào tạo chủ biên. Khi sáp nhập từ 2-3 tỉnh, thành hiện nay thành 1 tỉnh, thành mới cũng đồng nghĩa mỗi tỉnh thành mới đã có 2-3 bộ sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 12 không còn phù hợp cho tất cả học sinh của tỉnh, thành mới.