Quảng Ninh vừa tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2017. Tháng hành động vì ATTP năm nay có chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng chống ngộ độc rượu”, được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 15-4 đến 15-5. Mục tiêu được đặt ra trong Tháng hành động là: Giải quyết căn bản vấn đề nổi cộm hiện nay là sử dụng tạp chất, cồn công nghiệp trong sản xuất rượu và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; đảm bảo ATTP tươi sống, với trọng tâm là giảm thiểu mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hoá chất, kháng sinh, ô nhiễm sinh vật trong thịt, thuỷ sản chăn nuôi...
Trong Tháng hành động này cũng đặt ra mục tiêu nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm rượu và thực phẩm tươi sống; giảm thiểu tình trạng lạm dụng rượu...
Mọi người đều đã biết, tình trạng thực phẩm bẩn (trong đó bao gồm cả rượu), không đảm bảo an toàn đối với sức khoẻ con người, thậm chí còn dẫn đến các căn bệnh ác tính, nan y xuất hiện tràn lan, phổ biến trên thị trường trong thời gian qua đã trở thành vấn nạn, nỗi lo sợ đối với người tiêu dùng và toàn xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do công tác quản lý thiếu chặt chẽ, đồng bộ, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe; phần khác đáng lưu ý hơn là do không ít đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh, buôn bán vì muốn tối đa hoá lợi nhuận, chạy theo cái lợi trước mắt, coi thường tính mạng người tiêu dùng, nên đã cố ý sản xuất, kinh doanh, tiếp tay cho các loại thực phẩm bẩn, rượu độc lưu thông trên thị trường...
Mặc dù thời gian qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã được các cấp, các ngành, lực lượng chứ năng tăng cường triển khai; nhiều văn bản, chỉ thị chỉ đạo cũng đã được ban hành. Tuy nhiên, việc kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm bẩn, rượu độc vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Tình trạng ngộ độc rượu vẫn xảy ra ở nhiều nơi, từ khu vực đô thị đến các vùng nông thôn, miền núi; các loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, chứa hoá chất độc hại vẫn như một ma trận thách đố người tiêu dùng. Điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều loại thực phẩm cả tươi sống và đã qua chế biến không gây ra những tác hại tức thì (để có thể truy xuất được ngay) mà nó cứ âm thầm tích tụ độc tố trong con người từ ngày này qua tháng khác, nên thật khó kiểm soát, tẩy chay cho dù có là người tiêu dùng thông thái...
Bởi vậy, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn luôn là vấn đề thời sự, là sự mong mỏi của đông đảo người dân hiện nay. Hy vọng rằng, trong Tháng hành động này với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, trách nhiệm của các ngành, lực lượng chức năng các hành vi vi phạm sẽ được đưa ra ánh sáng, xử lý nghiêm minh để cảnh báo, răn đe chung và công khai cho người dân biết, để ngăn chặn, tẩy chay những loại thực phẩm bẩn. Đặc biệt các cơ quan làm luật cũng nên nghiên cứu, xem xét coi việc sản xuất, kinh doanh, lưu thông thực phẩm bẩn, rượu độc là hành vi giết người để có khung hình phạt xứng đáng. Có như vậy mới kỳ vọng thực phẩm bẩn được ngăn chặn, loại trừ ra khỏi thị trường, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người dân...
Thanh Tùng