Hơn bao giờ hết, vấn đề môi trường được đặt ra như một thử thách với con người trong bối cảnh luôn đòi hỏi sự phát triển về mọi mặt. Những tác động tiêu cực từ nhiều yếu tố làm ảnh hưởng tới môi trường đã và đang xảy ra hàng ngày khiến chúng ta phải đối mặt với không ít nguy cơ như thiên tai, lũ lụt, bệnh tật… Chính vì lẽ đó, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành (năm 2012).
Những quan điểm chỉ đạo lớn được thể hiện rất rõ trong Chiến lược này, như: Bảo vệ môi trường là yêu cầu sống còn của nhân loại; Chiến lược bảo vệ môi trường là bộ phận cấu thành không tách rời của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển bền vững; bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại nhưng vẫn giữ được tiềm năng và cơ hội cho các thế hệ mai sau; đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững. Phát triển phải tôn trọng các quy luật tự nhiên, hài hoà với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; khuyến khích phát triển kinh tế phù hợp với đặc tính sinh thái của từng vùng, ít chất thải, các-bon thấp, hướng tới nền kinh tế xanh. Ưu tiên phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; coi trọng tính hiệu quả, bền vững trong khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học; từng bước phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu…
Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia và cũng xuất phát từ những đặc thù rất riêng của một tỉnh lấy dịch vụ - công nghiệp làm trụ cột chính trong phát triển, Quảng Ninh luôn coi trọng và quyết liệt trong công tác bảo vệ môi trường. Và điều này còn được tỉnh thể hiện rất rõ ở mục tiêu phát triển xanh gắn với tăng trưởng bền vững. Không chỉ coi trọng cái lớn, việc lớn mà công tác bảo vệ môi trường được quan tâm, đề cao từ chính cuộc sống hàng ngày của người dân trên địa bàn. Đơn cử như gần đây nhất, cùng trong ngày 8-6, UBND tỉnh đã có các công văn chỉ đạo các ngành chức năng và một số đơn vị liên quan cùng UBND các địa phương Hoành Bồ, Đông Triều yêu cầu xử lý dứt điểm phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, bên cạnh các nội dung chỉ đạo cụ thể, sâu sát, UBND tỉnh đã giao 2 địa phương nói trên thiết lập đường dây nóng chỉ đạo các phòng chuyên môn thường trực theo dõi, nắm bắt, xử lý kịp thời những phản ánh của người dân về vấn đề gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện…
Hẳn bạn đọc còn nhớ cách đây chưa lâu, chính ở chuyên mục này, Báo Quảng Ninh cũng đã đề cập tới vụ việc 1 nhân viên y tế ở Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả bị xử lý kỷ luật do vận hành đốt rác sai quy định làm ảnh hưởng tới môi trường sống của dân cư khu vực gần đó. Động thái kiên quyết và tinh thần tiếp thu ý kiến nhân dân một cách cầu thị cùng với việc giải quyết nhanh, gọn vụ việc đã cho thấy, ý thức bảo vệ môi trường không còn là câu chuyện của riêng ai. Mới đây, ngày 8-6, UBND tỉnh đã ra quyết định (số 1747/QĐ-UBND) tạm dừng hoạt động trong thời hạn 3 tháng đối với Nhà máy tái chế, sản xuất bao bì ở khu Dốc Đỏ, phường Phương Đông, TP Uông Bí. Nhà máy này của doanh nghiệp tư nhân Anh Đức. Lý do nhà máy này bị đình chỉ tạm thời là đã xả rác thải sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường trong khu vực. Việc nhà máy này có được tiếp tục hoạt động trở lại hay không phụ thuộc vào chính các biện pháp khắc phục của doanh nghiệp trên cơ sở giám sát chặt chẽ của ngành chức năng, chính quyền địa phương cùng cộng đồng dân cư tại địa bàn đó.
Các vụ việc nêu trên chỉ là ví dụ trong một bài viết nhỏ, nói vậy bởi, chúng ta đều biết rằng, với nhận thức bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, là nghĩa vụ của mọi người dân và có sự kết hợp phát huy vai trò của cộng đồng… Quảng Ninh đã và đang thực sự nỗ lực để xứng đáng là “nơi cần đến và nơi đáng sống” mà trong đó tiêu chí môi trường luôn được đề cao.
Ngọc Lê