Từ tầm nhìn chiến lược về đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế đã từng bước làm thay đổi diện mạo của Quảng Ninh từ thành phố cho đến nông thôn, từ đồng bằng cho đến vùng núi cao, hải đảo.
Để có những bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những đột phá chiến lược. Quảng Ninh đã có những giải pháp sáng tạo, linh hoạt trong sử dụng nguồn ngân sách và thu hút vốn đầu tư vào các dự án động lực, có sự tác động lớn đến các hoạt động phát triển kinh tế trên địa bàn. Chỉ tính riêng 5 năm gần đây, việc thu hút đầu tư các nguồn vốn ngoài ngân sách chiếm tỷ trọng 40% tổng vốn đầu tư (vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm 16% tổng vốn đầu tư). Bước đột phá từ năm 2013 đến nay tỉnh đã tiên phong triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với 44 dự án tổng số vốn 47.000 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước tham gia chiếm 10% (chủ yếu tập trung cho công tác GPMB). Thành công này đã góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu trong toàn quốc về đồng bộ hạ tầng giao thông với hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không quốc tế, cảng tàu du lịch được kết nối với các trọng điểm du lịch, các khu kinh tế.
Và đây cũng là nền tảng vững chắc tạo đà cho Quảng Ninh có những bước tiến vượt bậc trong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Đến nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ. Cụ thể: nhóm ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 5,9%; nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 50,3%; nhóm ngành dịch vụ đã tăng mạnh và chiếm tỷ trọng 44,8%. Tốc độ tăng trưởng nhóm ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng đột phá (năm 2016 tăng 11,8%, năm 2017 tăng 13,6%, năm 2018 tăng 14,2%). Trong giai đoạn từ 2013 đến 2018, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 53,253 triệu lượt khách; tổng doanh thu từ lĩnh vực du lịch đạt 85.015 tỷ đồng. Tổng số nộp ngân sách từ hoạt động du lịch trong giai đoạn 2013-2018 đạt 9.192 tỷ đồng. Trong đó năm 2013 đạt 750 tỷ đồng, năm 2014 đạt 830 tỷ đồng, năm 2015 đạt 1.200 tỷ đồng, năm 2016 đạt 1.559 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2015; năm 2017 đạt 2.103 tỷ đồng; năm 2018 đạt 2.750 tỷ đồng. Thu ngân sách từ hoạt động du lịch trong tỷ lệ thu nội địa từ 2,8% của năm 2012, tăng lên 9% của năm 2018. Ngành du lịch tạo ra khoảng trên 198.000 việc làm, khoảng 119.000 việc làm trực tiếp và 79.000 việc làm gián tiếp.
Trong những năm gần đây, Quảng Ninh luôn là một trong 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách cao nhất cả nước, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân luôn đạt trên 10%/năm, thu nhập bình quân theo đầu người đạt trên 2.910USD, gấp 1,7 lần so với cả nước. Trong xây dựng NTM, Quảng Ninh cũng triển khai nhiều giải pháp, cách làm đồng bộ, quyết liệt, liên tục và sáng tạo được Trung ương, các bộ, ngành và nhiều địa phương ghi nhận, đánh giá cao, làm điểm để học tập và nhân rộng. Những bước tiến của Quảng Ninh đã góp phần to lớn cùng cả nước thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong các phần việc khó như: Xóa đói, giảm nghèo; xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; triển khai chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP... Từ những nỗ lực đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc sống tại các vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo của tỉnh đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Công tác xây dựng đảng, chính quyền, đoàn thể được quan tâm; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Tất cả những thành quả trên đã tạo cho chúng ta một niềm tin sâu sắc rằng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Vùng mỏ sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, phong phú và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, cùng với cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thanh Phong