21
2
Kinh tế/
/kinh-te
3358195
1503242
Quảng Ninh quyết liệt thúc đẩy kinh tế số
quang-ninh-quyet-liet-thuc-day-kinh-te-so
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Quảng Ninh quyết liệt thúc đẩy kinh tế số

Là tỉnh đang có tốc độ phát triển mạnh, Quảng Ninh sớm tính đến thúc đẩy nền kinh tế số. 

Là tỉnh đang có tốc độ phát triển mạnh, Quảng Ninh sớm tính đến thúc đẩy nền kinh tế số. 

Các chỉ tiêu cụ thể của Quảng Ninh về kinh tế số năm 2025 là: Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 100%. Toàn tỉnh phấn đấu quy tụ 50 doanh nghiệp số, trong đó ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm, dịch vụ số; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lĩnh vực lao động đạt trên 2%; 100% hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp được tiếp cận và có năng lực sử dụng nền tảng số. Mục tiêu xa hơn, đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ nâng cấp hạ tầng mạng truy cập băng thông rộng cố định, đảm bảo 100% người sử dụng có thể truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s, mạng băng thông rộng di động 5G phủ sóng 100% dân số.

Khách hàng thanh toán bằng hình thức quét mã QR tại chợ Trung tâm Tiên Yên (huyện Tiên Yên). Ảnh: Nguyễn Trang
Khách hàng thanh toán bằng hình thức quét mã QR tại chợ Trung tâm Tiên Yên (huyện Tiên Yên). Ảnh: Nguyễn Trang

Theo ông Phạm Hồng Biên, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh, kinh tế số được coi là một trong những nguồn lực tăng trưởng mới của tỉnh Quảng Ninh. Việc đặt mục tiêu rất rõ ràng, cụ thể và cũng ở mức cao đối với kinh tế số bởi Quảng Ninh đánh giá kinh tế số là bước đột phá để gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng cuộc sống cũng như năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Ở giai đoạn sớm, Quảng Ninh đã đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số trong triển khai công việc chuyên môn ở trung tâm hành chính công, bộ phận một cửa và giải quyết một cửa liên thông, giao dịch trên các môi trường điện tử. Người dân Quảng Ninh đã sử dụng công nghệ số, kỹ thuật số, smartphone và công nghệ thông minh rất hiệu quả. Các địa bàn vùng sâu, vùng xa, kể cả vùng lõm của Quảng Ninh đã phủ sóng… Đây là nền tảng để Quảng Ninh phát triển kinh tế số và xã hội số.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, hiện toàn tỉnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong 100% dịch vụ thiết yếu như: Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, an sinh xã hội, thu ngân sách nhà nước, thanh toán tiền điện, thanh toán tiền nước, học phí, viện phí, thu phí, lệ phí tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe.

Từ 01/01/2025, Quảng Ninh đẩy mạnh thu phí tham quan bằng hình thức chuyển khoản và quét mã QR. Tính đến hết tháng 4 vừa qua, toàn tỉnh đã thu 226.199.670.000 đồng (chiếm khoảng 83,6% tổng thu phí tham quan) bằng hình thức chuyển khoản và quét mã QR. Ở lĩnh vực mua bán xăng dầu trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2025 đến nay, đã đạt thu trên 4.000 tỷ đồng (chiếm trên 50% tổng thu mua, bán xăng dầu) bằng hình thức không dùng tiền mặt.

Công nhân Công ty TNHH thuỷ sản tất Thành (TX Quảng Yên) kiểm tra các thông số được mã hoá trên sản phẩm hầu tươi.
Công nhân Công ty TNHH thuỷ sản Tất Thành (TX Quảng Yên) kiểm tra các thông số được mã hoá trên sản phẩm hầu tươi.

Năm 2025, Quảng Ninh triển khai mô hình chợ 4.0. Thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 120/135 chợ đã triển khai thực hiện mô hình chợ 4.0 theo kế hoạch, trong đó có 22/22 chợ hạng I, 23/23 chợ hạng II và 75/90 chợ hạng III. Tỷ lệ số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt trung bình 86,3%, trong đó chợ hạng I là 95,5%; chợ hạng II là 92%; chợ hạng III là 87,8%. Riêng các chợ trung tâm đều chấp nhận thanh toán các khoản phí và thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tỉnh Quảng Ninh cũng đã phối hợp với Viettel Quảng Ninh, VNPT Quảng Ninh để tiếp tục cung cấp miễn phí chữ ký số cho người dân để thực hiện nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến. Kết quả từ ngày đầu năm đến nay, đã cung cấp miễn phí 1.649 chữ ký số cho người dân, nâng tổng số chữ ký số đã cấp là 54.239 chữ ký số, đạt 7,5% người dân trưởng thành.

Đối với ngành giáo dục, hiện 100% cơ sở giáo dục chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó 86,45% số tiền học phí của cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị và 61,26% số tiền học phí của cơ sở giáo dục trên địa bàn nông thôn được thanh toán bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Về hóa đơn điện tử, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã bán và kiểm soát vé tham quan bằng hóa đơn điện tử cho 821.178 lượt khách. Nét mới từ đầu năm đến nay là tỉnh Quảng Ninh cũng phát hành vé điện tử ra đảo Cô Tô, mua vé điện tử, thanh toán trực tuyến trên các nền tảng số như điện thoại di động, website, xuất vé qua QRcode đối với Cảng quốc tế Ao Tiên.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đặc biệt chú trọng đến việc phát triển các mô hình kinh tế số tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Khoảng 60% doanh nghiệp trong các khu này đã ứng dụng nền tảng số vào quản trị và sản xuất, giúp tăng năng suất và hiệu quả công việc, đồng thời bảo vệ môi trường.

Hiện nay, tiếp tục đẩy mạnh kinh tế số, các đơn vị chức năng tỉnh Quảng Ninh đang tính tới việc đẩy mạnh tối đa việc ứng dụng số và ứng dụng khoa học công nghệ trong điều hành của chính quyền địa phương đối với hoạt động kinh tế xã hội, cần phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành, cho ứng dụng công nghệ số, đổi mới nghiên cứu AI.

Cùng chuyên mục