Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bắt đầu từ tháng 9 này, đơn vị chính thức triển khai dự án tạo dựng bãi rạn nhân tạo tại vùng biển Cô Tô. Dự án nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2018-2019 theo Quyết định số 3400/QĐ-UBND, ngày 31/8/2018 của UBND tỉnh, với tổng kinh phí thực hiện 3,05 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là đến hết năm 2019 sẽ thiết lập được 8.700m2 rạn nhân tạo tại 3 vùng biển quanh quần đảo huyện Cô Tô. Trong đó, mỗi khu vực có diện tích 2.900m2, bao gồm 300m2 rạn nhân tạo kết hợp trồng phục hồi san hô và 2.600m2 rạn nhân tạo kết hợp chà nổi. Trong đó yêu cầu các rạn nhân tạo kết hợp trồng phục hồi san hô phải có san hô đạt tỷ lệ sống từ 60% trở lên. Các rạn nhân tạo kết hợp chà nổi có cấu trúc ổn định, bền vững trong điều kiện thời tiết của địa phương, thu hút được các loại thủy sản đến sinh sống, tạo cảnh quan đẹp...
Bãi rạn được coi là “ngôi nhà” dưới đáy biển, là nơi cư trú của động vật thủy sinh, nơi trú ẩn cho ấu trùng và sinh vật biển trưởng thành; nơi kiếm ăn và bãi đẻ của nhiều loài hải sản. Nó đóng vai trò tăng cường việc phục hồi các rạn tự nhiên vì tạo ra các giá thể mới cho ấu trùng san hô bám và các nhóm sinh vật phát triển.
Rạn nhân tạo được xây dựng bằng những vật liệu tự nhiên và thả xuống đáy biển làm thay đổi địa hình, môi trường... theo hướng thuận lợi cho các loại động vật thủy sinh cư trú, phát triển. Xây dựng rạn nhân tạo là một giải pháp kỹ thuật được sử dụng để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ven biển, nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ, hạn chế cường lực khai thác ven bờ và chống đánh bắt bất hợp pháp...
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua các rạn trên vùng biển của tỉnh nói chung và của Cô Tô nói riêng đã và đang bị suy giảm nghiêm trọng do các nguyên nhân như ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của các hình thức đánh bắt thủy sản mang tính tận diệt, do sự xâm hại của con người. Do vậy, đã kéo theo sự suy giảm mạnh của nguồn lợi thủy sản, khả năng tái tạo kém, nhiều loài thủy sản có nguy cơ bị tuyệt chủng...
Vì vậy, mục tiêu đặt ra là cần phải sớm phục hồi, tái tạo nơi trú ngụ, sinh sản cho các loài thủy sản, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản, tạo sinh kế cho nhân dân. Đặc biệt, đây cũng là việc làm thiết thực để thực hiện chủ đề công tác năm 2018 của tỉnh là bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên.
Điều đáng nói nữa là thực hiện thành công dự án này không chỉ góp phần bảo vệ, phát triển và làm phong phú thêm nguồn lợi thủy sản của vùng biển, địa phương mà còn tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi cho khôi phục, phát triển các rạn san hô đang có nguy cơ bị suy giảm mạnh, phục vụ cho phát triển ngành dịch vụ, du lịch. Trong đó đáng chú ý là dịch vụ lặn biển ngắm san hô cho du khách, vốn đã và đang được nhiều địa phương có biển ở các tỉnh phía Nam phát huy hiệu quả...
Kỳ vọng từ dự án này sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển của cả ngành thủy sản và dịch vụ du lịch của huyện đảo Cô Tô, trở thành điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Cô Tô - Quảng Ninh. Đồng thời cũng là cơ sở để nhân rộng cách làm ra các địa phương khác có biển của tỉnh, để ngành kinh tế biển phát triển vượt trội hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn...
Thanh Tùng