Như vậy, đến thời điểm này, bệnh viêm phổi “lạ” ở Trung Quốc đã làm 2 người tử vong tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Bệnh đang có diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Tính đến nay, đã có 41 người được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi “lạ” ở Vũ Hán. Các xét nghiệm sơ bộ cho thấy, chứng bệnh bùng phát do chủng virus corona mới, một họ virus lớn gây bệnh cảm lạnh thông thường. Các cơ quan y tế cho biết, 763 người được theo dõi tại Vũ Hán sau khi tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus gây bệnh viêm phổi. Trong đó, 644 người được trả về và 119 người vẫn đang tiếp tục được theo dõi.
Điều đáng lo ngại là bệnh đã có dấu hiệu xâm nhập vào một số nước khác. Như ngày 16/1, Nhật Bản xác nhận có một người đàn ông khoảng 30 tuổi dương tính với loại virus này. Ở Thái Lan, một người phụ nữ Trung Quốc đã phải cách ly do được chẩn đoán mắc bệnh.
Hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên tục cảnh báo nguy cơ bệnh viêm phổi “lạ” có thể lan rộng. Trước diễn biến phức tạp của viêm phổi cấp do chủng vi rút mới coronavirus tại Vũ Hán (Trung Quốc), Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân, cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp: Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách, giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã. Những người trở về từ Vũ Hán hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Bộ Y tế cũng ban hành kế hoạch đáp ứng phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona. Trong đó, yêu cầu duy trì hoạt động của trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, kịp thời đề xuất các hoạt động phòng, chống dịch phù hợp; tăng cường việc giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu, cơ sở y tế, cộng đồng thông qua hệ thống giám sát thường xuyên và giám sát dựa vào sự kiện, đặc biệt tổ chức giám sát chặt chẽ thân nhiệt khách nhập cảnh bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tình trạng sức khỏe tất cả các hành khách nhập cảnh về từ TP Vũ Hán, phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, hiện tại, tất cả các cửa khẩu trên địa bàn cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Ninh, đã tăng cường công tác giám sát hành khách đến từ vùng có dịch, chuẩn bị các kế hoạch ứng phó, phòng cách ly tạm thời, trang thiết bị phòng, chống dịch. Đối với các cơ sở y tế tăng cường công tác phòng, chống nhiễm khuẩn, có kế hoạch phân luồng, cách ly các trường hợp khám bệnh viêm đường hô hấp cấp.
Tin tưởng rằng, với sự chủ động của Bộ Y tế cùng các địa phương trong phòng, chống từ xa, bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona sẽ không có cơ hội xâm nhập vào nội địa Việt Nam.
Thái Bình