21
18
/
1101421
Phong trào dân tộc và phong trào công nhân mỏ chống thực dân Pháp
longform

Với sự xâm lược và thống trị của thực dân Pháp, dân tộc Việt Nam ta cũng như nhân dân các dân tộc Quảng Ninh lâm vào thảm họa mất nước, mà “mất nước không phải chỉ là bị cướp đoạt quyền lợi sinh sống vật chất hàng ngày, mà còn bị cướp đoạt cả giá trị con người của chúng ta, và bị cướp đoạt cả lẽ sinh tồn chung của một dân tộc đã có mấy nghìn năm lịch sử”. Nhưng dân tộc Việt Nam ta nói chung và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh nói riêng vốn có truyền thống yêu nước chống xâm lược kiên cường, không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù tàn bạo nào, đã sôi sục đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược ngay từ khi chúng mới đặt chân đến.
Trước khi có sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phong trào dân tộc và phong trào công nhân mỏ Quảng Ninh đã có những bước phát triển quan trọng. Phong trào dân tộc với các cuộc khởi nghĩa vũ trang thể hiện tinh thần yêu nước mạnh mẽ. Tiếp đó, phong trào công nhân mỏ bắt đầu hình thành và những hành động đấu tranh tự phát, đánh dấu sự lớn mạnh của một lực lượng cách mạng mới, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc chung của cả nước.

Quá trình ra đời, phát triển đội ngũ công nhân nói chung và công nhân mỏ nói riêng ở Quảng Ninh diễn ra trong hoàn cảnh phong trào yêu nước chống thực dân Pháp đang sôi nổi, rầm rộ trong toàn tỉnh. Mang sẵn trong lòng tinh thần quật khởi của dân tộc và mối thù giai cấp sâu sắc, đội ngũ công nhân Quảng Ninh đã đứng dưới ngọn cờ dân tộc, chủ nghĩa yêu nước chân chính ngay từ khi mới ra đời.
Với thực tế cuộc sống bị áp bức bóc lột tàn nhẫn, bị đày đọa cực nhọc của người dân mất nước, công nhân mỏ Quảng Ninh đã tiến hành đấu tranh chống lại kẻ thù chính của họ là bọn tư bản thực dân Pháp và bè lũ tay sai của chúng.

Từ việc tham gia các cuộc khởi nghĩa chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX đến những cuộc lãn công, bãi công đặc trưng của phương thức đấu tranh của giai cấp vô sản hiện đại vào đầu thế kỷ XX đã thể hiện sự chuyển hóa tư tưởng trong phong trào công nhân Quảng Ninh, một sự chuyển hóa dần dần từ ý thức dân tộc sang ý thức giai cấp, từ “tự phát” đến “tự giác”.


Thực hiện: Thu Chung

Trình bày: Đỗ Quang