Bạo lực gia đình (BLGĐ) là vấn đề nhức nhối được toàn xã hội quan tâm. Hành vi BLGĐ gây tổn thất về tinh thần, để lại hậu quả nặng nề, lâu dài. Vì thế phòng chống BLGĐ cần cả cộng đồng chung tay vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của chính mình và người thân.
Thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2021-2025”, huyện Bình Liêu đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình với nhiều cách làm phù hợp để thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là đối tượng phụ nữ DTTS, trẻ em gái.
Các tổ truyền thông cộng đồng được hội phụ nữ phối hợp ra mắt tại 11 thôn của 4 xã Đồng Tâm, Lục Hồn, Vô Ngại, Húc Động và thị trấn Bình Liêu. Thành viên của tổ truyền thông cộng đồng có cán bộ của thôn, bản, chi, tổ hội đoàn thể cơ sở. Các thành viên liên tục bám sát địa bàn, góp tiếng nói để dần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng. Từ đó dần xóa đi những quan niệm cổ hủ để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho phụ nữ và trẻ em.

Chị Dương Tài Múi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Tổ phó Tổ truyền thông cộng đồng khu Khe Lạc (thị trấn Bình Liêu), cho biết: Tham gia Tổ truyền thông cộng đồng, chúng tôi tích cực theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tình hình đời sống của người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em gái nói riêng; tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống, lao động, phát triển kinh tế..., nhằm dần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, hình thành nên gia đình không còn bạo lực.
Để công tác phòng chống BLGĐ đi vào chiều sâu, các cấp, ngành, địa phương chú trọng tuyên truyền đa dạng, như: Truyền thông trực tiếp qua hội nghị, hội thảo; chiến dịch truyền thông qua mạng xã hội; sinh hoạt ngoại khóa tại các trường học, cơ quan, đơn vị...
Hiện toàn tỉnh có 125 mô hình phòng, chống BLGĐ theo chuẩn của Bộ VH,TT&DL. Bên cạnh đó, tỉnh duy trì 301 CLB, 508 nhóm, 1.025 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 1 trung tâm cấp tỉnh (Ngôi nhà Ánh Dương). Các CLB, nhóm, địa chỉ này do các ngành, đoàn thể, địa phương… thành lập; tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, bình đẳng giới; chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em...
Điển hình mô hình “Ngôi nhà Ánh Dương” đến nay sau gần 5 năm hoạt động đã trở thành điểm tựa vững chắc cho nhiều đối tượng phụ nữ bị BLGĐ. Năm 2024 “Ngôi nhà Ánh Dương” đã bố trí tạm lánh và thực hiện các hoạt động tư vấn, can thiệp, hỗ trợ đối với 5 nạn nhân của BLGĐ, bạo lực giới.

Các địa phương đã nhân rộng các mô hình phòng chống BLGĐ tại cộng đồng. Cụ thể TP Uông Bí duy trì hoạt động hiệu quả 16 CLB gia đình hạnh phúc tại 16 xã, phường; phát huy các hộ gia đình tiêu biểu nòng cốt trong phong trào xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh". TP Móng Cái duy trì 92 CLB gia đình phát triển bền vững, 100 nhóm phòng chống BLGĐ; 100 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; số điện thoại đường dây nóng về phòng chống BLGĐ tại 17/17 xã, phường và 100% thôn, khu phố.
Muốn phòng chống BLGĐ phải hạn chế, loại trừ các nguyên nhân gốc rễ gây ra nó, trong đó có nguyên nhân quan trọng là tình trạng bất bình đẳng giới. Vì thế cần phải quyết những vấn đề xã hội về bình đẳng giới, định kiến giới, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, để cả nam và nữ giới đều có cơ hội bình đẳng, nâng cao năng lực bản thân, tham gia tốt hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.